38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

ĐẶC ĐIỂM HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CỦA TRẺ TỰ KỈ LÀ GÌ?

| Ngày đăng: 05/05/2021, 07:26 AM |
* Đặc điểm kĩ năng hoàn thành nhiệm vụ của trẻ RLPTK
Trẻ TK thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện một công việc nào đó đòi hỏi phải thực hiện theo trình tự, thông qua các bước cụ thể, bên cạnh đó trẻ cũng gặp khó khăn nhận diện và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do không giải quyết được vấn đề trong khi thực hiện nhiệm vụ nên trẻ thường tỏ ra lúng túng, bỏ dở hoạt động hoặc phát sinh những hành vi như cáu giận, la hét, không chấp nhận sự thay đổi xảy đến bất ngờ.

Kĩ năng hoàn thành nhiệm vụ trong học tập của trẻ RLPTK được xác định bao gồm các hành động, thao tác chính giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao như:
 

* Xác định nhiệm vụ (được giao hoặc lựa chọn).
Đối với trẻ tự kỉ, việc tiếp nhận hoạt động hoặc tự lựa chọn hoạt động do người khác đưa ra là rất khó khăn, đặc biệt với trẻ tự kỉ gặp các vấn đề đi kèm như mất tập trung, tăng động, có khả năng hiểu và giao tiếp rất kém. Trẻ TK cũng gặp khó khăn khi tìm tử đồ dùng lựa chọn đồ dùng cho phù hợp với hoạt động đưa ra, sau khi nhận đồ từ giáo viên trẻ thường không xác định được vị trí ngồi, góc hoạt động cá nhân. Như vậy khó khăn ở đặc điểm này thể hiện ở chỗ: Nhiệm vụ này là gì, cần bao nhiêu hoạt động, lựa chọn những đồ dùng nào phù hợp, vị trí cá nhân (góc học tập cá nhân)/ đồ dùng để ở đâu? Như vậy tại bước này trẻ gặp khó khăn thì sẽ gây nên rất nhiều cản trở trong việc xác định và thực hiện nhiệm vụ.

* Thực hiện nhiệm vụ (đúng cách, có kết quả)
Đa số trẻ TK gặp khó khăn đặc trưng ở bước này, thể hiện ở việc trẻ thực hiện hoạt động ra sao?cách tiến hành là gì thực hiện nhiệm vụ nào trước tiên. Đối với những nhiệm vụ theo một trình tự logic đã quy định sẵn, ít vấn đề phát sinh thì trẻ có thể làm và thực hiện được cần ít sự hỗ trợ của giáo viên, tuy nhiên đối với những nhiệm vụ thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố môi trường bên ngoài hay chính bản thân hoạt động đó phát sinh vấn đề thì trẻ chưa biết cách giải quyết các vấn đề đó, dẫn đến việc trẻ không thể kết thúc nhiệm vụ và có một kết quả rõ ràng. Trẻ TK gặp khó khăn trong việc xác định điểm bắt đầu của nhiệm vụ, khi nào hoạt động bắt đầu và khi nào nhiệm vụ kết thúc, trẻ không lấy được đồ dùng đặt ở trước mặt, có những hoạt động chỉ cần một hai đồ dùng là đủ, nhưng có những hoạt động cần nhiều đồ dùng khác nhau, việc lấy đồ dùng tương ứng với hoạt động đang diễn ra khiến trẻ bị bối rối, không lựa chọn được đồ dùng chính xác. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, những yếu tố phát sinh khiến trẻ thay đổi hành vi sang hướng tiêu cực, trẻ có thể la hét, quấy khóc, đạp phá đồ chơi vì trẻ không biết giải quyết như thế nào, gặp ai để được can thiệp hỗ trợ… đối với từng sản phẩm khi thực hiện được, trẻ cũng không biết để ở đâu,sản phẩm đấy phục vụ mục đích yêu cầu gì, có khi đối với trẻ TK chỉ đơn giản là làm xong và bỏ đi, hoặc tháo ra làm lại từ đầu. Như vậy các kĩ năng cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ là rất quan trọng, giúp trẻ hiểu được điểm bắt đầu hoạt động và điểm kết thúc hoạt động, ý nghĩa của sản phẩm mà trẻ thực hiện được.

* Kết thúc nhiệm vụ (để chuyển sang nhiệm vụ hoặc hoạt động tiếp theo).
Đối với trẻ tự kỉ, bắt đầu lựa chọn/nhận nhiệm vụ và thực hiện đã khó, thì việc kết thúc một nhiệm vụ càng khó khăn hơn, theo quan sát và kinh nghiệm giảng dạy cho thấy, trẻ TK thường rất chú tâm đến một hoạt động trong một nhiệm vụ nhất định, trẻ có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ mà quên mất rằng cần kết thúc và bắt đầu một hoạt động mới. Khi hoạt động kết thúc trẻ cũng không biết nên cất sản phẩm ở đâu, và chúng có ý nghĩa như thế nào với hoạt động tiếp theo, đa số trường hợp khi quan sát, sau khi kết thúc hoạt động hoặc nhiệm vụ nào đó trẻ thường có xu hướng bắt đầu ngay với đồ chơi khác, hoặc thể hiện hành vi thỏa mãn như la hét, nhảy… thay vì trẻ phải cất đồ chơi vào đúng vị trí ban đầu. Đối với trẻ TK việc định hình trong ý thức của trẻ về phần thưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng, bởi lẽ đối với trẻ nói chung và trẻ TK nói riêng phần thưởng thực tế đơn giản luôn làm cho đứa trẻ cảm thấy hào hứng để nghe lời hơn, có động lực hơn trong thực hiện các hoạt động học tập. Bởi vậy trong kết thúc nhiệm vụ cần chú trọng đến việc giúp đứa trẻ nhận biết được ý nghĩa của phần thưởng.

Như vậy, đặc điểm kĩ năng hoàn thành nhiệm vụ của trẻ RLPTK thể hiện ở ba tiêu chí cơ bản, qua đây chúng ta có thể thấy rằng, đối với trẻ tự kỉ các vấn đề khó khăn ở từng tiêu chí có thể gây nên rất nhiều cản trở trong học tập cũng như hoàn thành nhiệm vụ sau này của trẻ trong cuộc sống. Bởi vậy nếu khắc phục được những tiêu chí trên trẻ RLPTK hoàn toàn làm chủ được các nhiệm vụ của mình, hoặc người khác giao phó.

Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357