38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

Trẻ chậm nói và phương pháp điều trị hiệu quả

| Ngày đăng: 20/12/2019, 11:47 AM |
Trẻ chậm nói tức là khả năng ngôn ngữ của trẻ chậm và kém hơn so với các mốc phát triển ngôn ngữ thông thường của trẻ nhỏ. Nhiều gia đình chủ quan nhưng cũng có nhiều gia đình lại lo lắng quá mức…

Trẻ chậm nói có hai khả năng: Trẻ chậm nói đơn thuần và chậm nói do khiếm khuyết về sự phát triển não bộ – chứng tự kỷ. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải xác định tình trạng của bé ở mức nào, do nguyên nhân nào gây nên đã nhé!
 
Những "mốc” ngôn ngữ giúp cha mẹ nhận biết sớm trẻ chậm nói
 
Cha mẹ có thể dựa vào những căn cứ sau để đánh giá đúng về tốc độ phát triển ngôn ngữ của trẻ:

 Tuổi của trẻ Mức độ ngôn ngữ 
Mới chào đời Chỉ cất tiếng khóc đầu đời 
2 - 3 tháng   Trẻ biết nhận ra người thân và những cử chỉ thân thuộc
6 tháng  Trẻ phản ứng rõ ràng với những âm thanh xung quanh
8 tháng Phản ứng nhanh khi được nhắc tên
10 tháng Trẻ tự phát ra âm thanh để thu hút sự chú ý, thường nhắc lại nhiều lần 1 âm tiết như "aaa”, "daaa”
12 tháng Trẻ bắt đầu nói từ 1 - 2  ngắn, tự nhận biết tên và bắt chước những âm thanh quen thuộc
12 - 17 tháng Trẻ nghe, hiểu và phản hồi lại những hướng dẫn đơn giản
18 - 24 tháng Trẻ biết nói những từ ghép, nói 2 - 3 câu liền nhau ( >50 từ )
2 - 3 tuổi Trẻ tự xưng tên hoặc ngôi xưng ( con, cháu, em), vốn từ vựng >450 từ, biết sử dụng câu ngắn, chăm chú lắng nghe kể chuyện
3 tuổi trở lên Trẻ có thể tự kể một câu chuyện, liên kết các từ ngữ với nhau, nói những câu dài, vốn từ vựng >1000 từ

Vì sao trẻ bị chậm nói?
Thông thường có 2 nhóm nguyên nhân khiến trẻ chậm nói bao gồm:

- Yếu tố tâm lý: một số kích thích và sang chấn tinh thần mạnh có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ngoài ra, sự nuông chiều quá mức của cha mẹ hoặc sự bỏ bê, thiếu quan tâm của gia đình cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ bị chậm nói hơn so với các bé cùng độ tuổi

- Yếu tố thực thể: những bất thường bẩm sinh hoặc tổn thương ở một số cơ quan cảm nhận và phát âm như: tai, mũi, vòm họng, lưỡi… hoặc trong não bộ - là cơ quan đảm nhiệm vai trò chỉ huy ngôn ngữ chung (tổn thương bán cầu não trái, viêm màng não, chấn thương sọ não, rối loạn dẫn truyền thần kinh…)

Cách chẩn đoán trẻ chậm nói
Khi cha mẹ thấy trẻ có sự trì hoãn ngôn ngữ ở bất kỳ giai đoạn nào cũng không nên chủ quan và nên cho bé đi thăm khám sớm để xác định chính xác nguyên nhân và có can thiệp phù hợp. Bên cạnh các dấu hiệu cha mẹ miêu tả, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số đánh giá sức khỏe tổng quát bằng những bài kiểm tra khả năng phản xạ ngôn ngữ, kiểm tra thính lực, kiểm tra chức năng não bộ…

Những "mẹo” dạy trẻ chậm nói tại nhà
Trẻ chậm nói sẽ từ từ cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình khi nhận được sự giáo dục và giúp đỡ đúng cách của gia đình. Cha mẹ nên áp dụng những lời khuyên dưới đây để giúp trẻ học nói:

- Nói chuyện với trẻ ngay từ độ tuổi sơ sinh vì thực tế lúc này việc nghe thụ động cũng mang lại rất nhiều lợi ích.

- Đáp lại những âm thanh nhỏ và tiếng bập bẹ của trẻ.

- Thường xuyên trò chuyện và chơi với trẻ: Cha mẹ nên đưa ra nhiều câu hỏi ngắn và tập trung lắng nghe bé trả lời và chú ý đừng chỉ trích những lỗi diễn đạt của bé.
- Nên tường thuật bằng lời những hành động của bạn để trẻ học nói theo và tăng vốn từ vựng của trẻ.

- Đọc sách cho trẻ nghe: lựa chọn những chủ đề bé yêu thích và khuyến khích bé kể lại những nội dung đã được nghe. Khi trẻ không còn thích thú với những lời nói, nên tập trung vào những hình ảnh.

- Hát cho trẻ nghe và cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc để giúp trẻ tăng dần vốn từ vựng, rèn luyện kĩ năng ghi nhớ, kỹ năng diễn đạt ý tưởng.

- Sử dụng "ngôn ngữ cử chỉ” với những trẻ nhỏ, cha mẹ có thể giúp trẻ rèn kỹ năng phản xạ và tiếp thu bằng cách cách sử dụng những cử chỉ và lời nói.

- Tăng vốn từ vựng cho trẻ bằng cách mở rộng những điều trẻ nói. Ví dụ khi trẻ nói "quả táo” bạn có thể dạy con nói thêm như "quả táo xanh, quả táo ngon, con muốn quả táo…”

- Để trẻ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi và tạo điều kiện để trẻ chơi cùng các trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt hơn vì trẻ sẽ học hỏi tốt hơn khi được chơi cùng bạn bè.

Điều trị cho trẻ chậm nói
Phương pháp trị liệu ngôn ngữ là phương pháp chính được áp dụng với hầu hết các trẻ chậm nói. Các hướng dẫn cụ thể tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ chậm nói của trẻ tuy nhiên sự hỗ trợ từ gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với những trẻ nhỏ, chủ yếu áp dụng tại nhà, cha mẹ chính là "người hướng dẫn” dạy trẻ nói. Ở trẻ lớn, cần thực hiện từ 2 – 3 buổi trị liệu ngôn ngữ một tuần cùng các chuyên gia ngôn ngữ để giúp cải thiện đồng thời về từ vựng và ngữ pháp cho trẻ.

Ngoài ra, việc điều trị thường không hoàn toàn giống nhau giữa các trẻ bởi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

- Nếu do suy giảm thính lực: tiến hành một số phẫu thuật can thiệp, với những trẻ dưới 5 tuổi thường cho kết quả rất khả quan.

- Nếu do di tật bẩm sinh ở các cơ quan phát âm như bệnh hở môi, hở hàm ếch... bác sĩ cần thực hiện một số tiểu phẫu để giúp trẻ cải thiện chức năng ngôn ngữ, khả năng hồi phục thường sau 3 – 6 tháng.

- Nếu do các bệnh lý ở não bộ: cần tác động điều trị vào những khu vực này, thời gian thường kéo dài hơn.

Trẻ chậm nói sẽ không còn là nỗi lo khi cha mẹ giúp con phát hiện sớm các dấu hiệu và có những biện pháp hỗ trợ đúng cách. Chắc chắn rằng bằng tình thương và sự kiên trì đó, trẻ sẽ sớm cải thiện chức năng ngôn ngữ để tận hưởng trọn vẹn những niềm vui trẻ thơ.

Nguồn: Ds. An Chu


Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357