38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

BÍ QUYẾT XÂY DỰNG NGÔN NGỮ CHO TRẺ BIẾT NÓI CẢ CÂU

| Ngày đăng: 09/03/2020, 10:20 AM |


Các bí quyết này dành cho phụ huynh của những trẻ đã biết nói câu có vài hay nhiều từ. 

 

 

1. Cho bé cơ hội bắt chuyện với bạn

Trong bữa ăn, hãy im lặng chờ đợi bé thể hiện hay nói gì đó với bạn. Sau đó bình luận một cách quan tâm về những gì bé vừa nói hay làm. Chẳng hạn, nếu bé nói bé không thích món ăn của bé, bạn hãy hỏi tại sao và cùng thảo luận về những gì bạn thích, bé thích. Nếu bé bình luận về hành động của bạn, hãy nói gì đó đáp lại bé và chờ cho bé đáp lại. Bắt chuyện là một kỹ năng xã hội quan trọng cần được khuyến khích ở trẻ nhỏ.

 

2. Tận dụng những thói quen thường ngày để thúc đẩy trò chuyện qua lại

Ngôn ngữ được học đi học lại qua những hoạt động thường ngày. Nên việc bảo đảm cho bé có ít nhất là 2-3 lượt nói trước khi kết thúc cuộc nói chuyện rất quan trọng. Có rất nhiều bé có thể học nói từ việc trò chuyện về những sự kiện hàng ngày. Hãy để con bạn giúp bạn mở bao bì, bỏ quần áo dơ vào máy giặt hay dùng dao nhựa [dành cho trẻ em] để xắt trái cây. Hãy thúc đẩy cuộc trò chuyện bằng cách nói về những gì bạn và bé đang làm và chuyện này liên hệ đến các thành viên trong gia đình như thế nào. Ví dụ, khi xắt trái cây, hãy nói về chuyện bé nghĩ trái này có vị ngon như thế nào, trái nào có hốc/lỗ và trái nào không, từng người trong gia đình thích loại quả nào, vv...

 

3. Khuyến khích chơi tưởng tượng

Trò chơi tưởng tượng mang những cơ hội tuyệt vời cho bé sử dụng ngôn ngữ ở bậc cao hơn. Nhờ chơi tưởng tượng, bé sẽ học cách dùng ngôn ngữ để tạo ra một vật hay tình huống tưởng tượng (như khi chìa một cái tách đồ chơi ra, bé nói "Đây là trà”) và bé sẽ học cách "dàn sân khấu” cho những cảnh tưởng tượng (trong khi chỉ tay về chiếc hộp cạc tông to, bé nói "Đây là nhà mình và con là Mẹ”). Hãy tham gia với bé bằng cách tự đảm nhận một vai tưởng tượng trong kịch bản bé đã tạo ra – nhưng hãy để bé dẫn dắt trò chơi.

 

4. Linh động trong cách đọc sách cho bé vào tuân theo sự dẫn dắt của bé.

Bạn không cần phải đọc từ đầu chí cuối một quyền sách ! Nếu bé thấy hứng thú với một trang nào đó, hãy dành thời gian cho trang đó. Nếu bé muốn trở lại trang đó, hãy trở lại và cùng nói về trang đó lần nữa. Bạn cũng không cần đọc mọi từ có trong trang hay mọi trang trong sách, nếu con bạn không muốn vậy.

Việc này tạo ra những khoảng dừng tuần hoàn giúp bé có thể suy nghĩ và nói ra ý kiến của mình. Đi theo sự dẫn dắt của bé làm cho việc đọc sách trở nên tương tác hơn, tăng cơ hội học hỏi cho bé.

 

5. Nói chuyện về lý do/nguyên nhân của những việc bé nhìn thấy

Có rất nhiều thứ bé sẽ không hiểu – tại sao xe công an có còi báo động, tại sao lại có nhiều đèn giao thông, tại sao chó mang dây xích chẳng hạn. Để giúp bé, bạn hãy giải thích những điều này với bé. Ví dụ, "Chó mang xích để giúp nó không chạy lung tung. Nếu chó chạy lung tung, chó sẽ bị lạc đường và chủ của chó sẽ không biết nó ở đâu”. Thậm chí lúc đầu, nếu bé không hiểu được mọi điều bạn nói, bạn hãy cho bé làm quen với những ý quan trọng trước, điều đó sẽ góp phần giúp bé hiểu về thế giới của mình.

 

6. Khuyến khích bé kể chuyện

Kể chuyện là một kĩ năng quan trọng bởi vì nó bao hàm việc học cách diễn đạt cụ thể và rõ ràng về điều/cái không còn hiện diện nữa. Kĩ năng này có thể được củng cố thông qua việc nói về những câu chuyện và sự kiện liên quan đến các thành viên trong nhà. Hãy chia sẻ những tập ảnh của gia đình với bé, động viên bé qua những tấm ảnh nói về những trải nghiệm/kỷ niệm quá khứ với các thành viên. Có lẽ bạn sẽ cần giúp bé thêm thắt các tiểu tiết hay làm rõ ai, làm gì và ở đâu. Trẻ em cần được luyện tập cả nghe và kể chuyện nhiều để trở thành "bậc thầy” kể chuyện.

 

7. Trò chuyện với bé về các ấn phẩm bé thấy hàng ngày

Chỉ cho bé ấn phẩm truyền đạt thông tin như thế nào. Hãy để bé giúp bạn nhận thư, cùng xem tờ rơi và những tờ quảng cáo đầy màu sắc với bé. Hãy hỏi bé thích hình nào rồi đọc những từ mô tả các hình đó, chỉ vào hình đó khi bạn đọc. Giải thích cho bé mục đích của các tờ rơi – như tờ rơi siêu thị cho chúng ta biết giá thực phẩm tuần đó và giúp mình quyết định sẽ mua gì. Điều này giúp bé hiểu được ấn phẩm "nói” gì, giống như ngôn ngữ nói vậy.

 

8. Biến việc học bảng chữ cái trở thành hoạt động hữu ích, gần gũi.

Khi bạn đi mua sắm với bé, hãy quan sát tên thực phẩm trên bao bì rồi chỉ vào đó và đọc to tên cho bé.  Cũng như vậy, bạn chỉ vào các chữ cái, đặc biệt là chữ cái đầu tiên của từ. Ví dụ, "Nhìn nè con, trên này ghi ‘bơ’ và ‘bơ’ bắt đầu bằng chữ ‘b’”.

 

9. Giúp bé hiểu rằng từ được tạo nên từ các âm.

Hiểu rằng từ được tạo từ các âm là một kỹ năng quan trọng trong việc học đọc. Bạn có thể giúp bé học qua những hoạt động thường ngày, bất kì khi nào bạn nghĩ ra hai từ  có cùng âm đầu. Sau đó nói với bé, ví dụ

Sương sa. ‘Sương’ và ‘Sa’ đều bắt đầu bằng âm ‘Sờ’

hay ‘Bong’ và ‘bóng’ đều bắt đầu bằng âm ‘Bờ’

Hãy chắc rằng bạn đọc âm của chữ cái và không nói tên của chữ cái, để giúp bé học bảng chữ cái, không phải học các âm trong một từ. Phải mất một thời gian dài bé mới có khả năng nhận diện các âm trong từ, vì vậy bạn đừng trông đợi bé làm được việc này trong phút chốc.

 

10. Khuyến khích bé thử ghi ra ngay cả khi bé chưa biết viết.

Đưa cho bé những vật dụng trong khi chơi tưởng tượng sẽ động viên bé thử ghi ra những gì bé muốn. Chẳng hạn, đối với chủ đề một "cửa hàng”, hãy đưa bé những tờ quảng cáo của cửa hàng tạp phẩm, những hộp đựng thực phẩm rỗng, giấy, bút lông và cuộn băng keo, để bé có thể làm biển hiệu, viết giá, vv... Nếu bé yêu cầu được giúp và muốn biết từ nào đó phải đánh vần như thế nào, hãy giúp bé. Nếu bé không yêu cầu, hãy để bé tự làm theo cách bé muốn – bé đang học được rất nhiều điều từ trải nghiệm với những chữ in. Bạn không cần phải sửa chữ và chính tả của bé, hãy để bé học được những phần quan trọng của việc viết chữ. 

 

 

 Nguyễn Thị Kim Anh (dịch), Lê Thành Nhân (hiệu đính)



Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357