38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

CÁC KĨ THUẬT CAN THIỆP CHO TRẺ TỰ KỶ

| Ngày đăng: 13/01/2020, 05:24 AM |
Xuất phát từ bản chất của tự kỷ còn nhiều điều chưa rõ ràng; nên chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ phải toàn diện, tác động lên bản thân trẻ và môi trường phát triển quanh trẻ. Những người thân của trẻ cần học cách hỗ trợ trẻ. Nhưng trước hết, cần coi và cư xử với trẻ như một em bé bình thường cùng tuổi. Kiên trì hướng dẫn, làm mẫu, và ép trẻ làm theo, trẻ sẽ học được (học cách bắt chước) như các bé bình thường.

Các kỹ thuật can thiệp cho trẻ tự kỷ hiện nay có rất nhiều. Tuy nhiên có một số mang tính lý thuyết, một số mang tính kinh nghiệm, để tham khảo. Nên tập trung vào những kỹ thuật nhằm giải quyết các khó khăn chủ chốt của trẻ như: phát triển ngôn ngữ, hạn chế các hành vi bất thường và giúp trẻ chơi, kết bạn. Một số kỹ thuật dưới đây bạn có thể tham khảo áp dụng.

1. Hoạt động trị liệu:
Mục đích giúp trẻ nhận thức tốt hơn về bản thân và điều phối cảm giác vận động, tăng cường tự lập trong các hoạt động cá nhân. Nên cho trẻ chơi trên bạt lò xo, bóng cao su to, bơi bể bơi, đi bộ, nhảy dây, chui vòng, giúp việc nhà, đu xà, trườn, bò... tất cả những thứ này được dùng để trẻ trở nên nhận thức hơn về cơ thể mình và có khả năng sử dụng tay chân, cơ thể trong các cách khác nhau.
 

2. Vận động thô:
Mục đích nâng cao thể lực, củng cố các hành vi tích cực, giảm thiểu các hành vi tiêu cực, nâng cao khả năng tập trung chú ý, là giai đoạn cần thiết để trước khi thực hiện chương trình giáo dục đặc biệt. Các hoạt động tập thể dục, vận động, chạy nhảy và chơi nhóm cùng nhiều trẻ khác giúp cho trẻ bắt chước, cùng hoạt động với bạn bè, sự tương tác qua lại.

3. Ngôn ngữ trị liệu:
Đây là phương pháp có tác động mạnh mẽ nhất đến phát triển của trẻ tự kỷ. Mục tiêu giúp trẻ hiểu mọi người tốt hơn và tự biểu đạt nhu cầu, tăng khả năng bắt chước- lần lượt và tương tác của trẻ. Nó cũng giúp trẻ hạn chế các hành vi xấu. Nên nói chậm và dùng các cử động tay, cơ thể và nhìn mặt trẻ khi nói. Đợi trẻ nói và làm mẫu để trẻ nhắc lại khi trẻ không biết biểu đạt. Chỉ vào các đồ vật và nói tên chúng,
thường xuyên "sai” trẻ làm và cùng trẻ thực hiện các mệnh lệnh đơn giản. Một số trẻ có thể đọc được, hay dùng các hình vẽ có tên vật hoặc hành động để dạy trẻ. Giúp trẻ cách trả lời và đặt các câu hỏi đơn giản như: "Cái gì đây? Làm gì? hoặc Ai? Ở đâu?... Nhờ đó trẻ biết sử dụng ngôn ngữ tốt hơn.

4. Chơi trị liệu:
Mục đích giúp phát triển nhận thức về thế giới xung quanh, giúp trẻ giải toả tâm lý, thể hiện bản thân, tăng khả năng tưởng tưởng, tư duy, sáng tạo, hoàn thiện các cơ quan cảm giác, hình thành các quan hệ xã hội… cùng chơi và nói chuyện, bình luận về mọi chuyện đang xảy ra với trẻ. Nếu được, nên chơi đóng vai, ví dụ: tập làm MC, nhạc công, công an, cô giáo, bác sỹ… Đóng vai giúp trẻ có kỹ năng xã hội và kết than tốt, hiểu về vị trí xã hội, cách ứng xử với từng vai. Rất nên cho trẻ chơi cùng nhóm với nhiều trẻ khác để trẻ nhận lượt chơi của mình. Ví dụ: lắng nghe rồi đứng lên trả lời, hát hoặc làm một phần của hoạt động xây nhà, chăm sóc em bé, đi mua sắm...

5. Học hòa nhập hoặc ở lớp đặc biệt:
Mục đích tạo cho trẻ môi trường phát triển bình thường giống như mọi trẻ em khác. Thông qua giáo dục sẽ giúp trẻ hiểu và có kỹ năng hòa nhập xã hội, tăng cường khả năng giao tiếp, giúp nhận thức sự vật và hiện tượng xung quanh, hiểu biết và quan tâm đến những ứng xử tình cảm của người khác, tăng cao khả năng hội nhập cộng đồng. Giáo viên mầm non cần theo sát và khuyến khích, hỗ trợ trẻ tham gia mọi hoạt động của lớp như các bé khác.
 

6. Can thiệp nhờ các môn nghệ thuật:
- Âm nhạc trị liệu: mục tiêu mà trị liệu âm nhạc hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, tăng cường các tương tác xã hội, thông qua âm nhạc. Âm nhạc cuốn hút trẻ, giúp trẻ học ngôn ngữ một cách máy móc, không cần hiểu nghĩa của ca từ.
- Vẽ/nặn: thông qua vẽ và nặn, trẻ có thể nâng cao khả năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay và mắt, giúp trẻ từng bước làm chủ các vận động kỷ xảo trong học viết và các thao tác tinh tế khác. Ngoài ra hoạt động này giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung chú ý, làm chủ các hành vi một cách có ý thức.
- Thơ, truyện, đồng dao: do trẻ tự kỷ có khả năng nhớ máy móc hơn nhớ ý nghĩa, nên việc dạy trẻ đọc chữ thông qua thơ đồng dao có giá trị đáng khích lệ. Với những tiết tấu, giai điệu, vần điệu, từ ngữ đơn giản, tươi sáng và dễ hiểu của thơ, đồng dao sẽ giúp cho trẻ dễ tiếp thu hơn.

7. Lao động trị liệu: 
Dành cho trẻ tự kỷ lớn, tuổi thiếu niên, mà khả năng theo học tiếp ở trường phổ thông khó khăn. Mục đích hướng nghiệp cho trẻ, giảm bớt tác động của khuyết tật, tạo môi trường xã hội để trẻ kết bạn, và tạo một công việc có thu nhập cho tương lai. Bắt đầu bằng cách dạy trẻ giúp cha mẹ các hoạt động nội trợ, sau đó là chăm sóc gia súc, trồng trọt, các nghề thủ công hoặc chọn một công việc phù hợp với sở thích và năng lực của trẻ. Ví dụ: vẽ, nhạc, hoặc liên quan đến công nghệ thông tin...

Nguồn : Nhà sách tự kỷ


Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357