38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

MÔ HÌNH 5 GIAI ĐOẠN CỦA SỰ THAY ĐỔI HỆ THỐNG THEO VIRGINIA SATIR

| Ngày đăng: 09/03/2020, 08:32 AM |
Virgina Satir là một nhà Tâm lý học tiên phong trong lĩnh vực trị liệu hệ thống gia đình. Tuy thế, có một mô mình do bà nêu ra lại rất có giá trị cả khi áp dụng cho gia đình và cả các tổ chức lớn hơn (Nhóm, công ty, tổ chức...). CLB đã tổng hợp và tóm tắt lại mô hình này.

Virginia Satir (26/06/1916 – 10/09/1988)Virginia Satir (26/06/1916 – 10/09/1988)
 

(1) Nguyên trạng trước đó (Late Status Quo)
Hệ thống ở trong một trạng thái quen thuộc. Khuôn mẫu vận hành được xem là phù hợp. Các mối quan hệ ổn định khiến các thành viên có cảm giác rõ ràng về sự phụ thuộc (belonging) và bản sắc riêng của hệ thống. Các thành viên biết mình trông đợi gì, phản ứng như thế nào và ứng xử như thế nào.

Áp lực từ trên (tiểu hệ điều hành) có thể có tác dụng khi xảy ra các vấn đề nhỏ. Nhưng khi xảy ra các vấn đề lớn, các kỳ vọng sẽ có thể không được đáp ứng và xuất hiện các hành vi kém chức năng. Giao tiếp kém là triệu chứng của một tập thể bị rối loạn chức năng. Các thành viên thường sử dụng các phương thức như buộc tội, xoa dịu hoặc các phương thức giao tiếp không thích đáng khác để đương đầu với những cảm xúc tức giận hoặc có lỗi. Stress có thể biểu hiện thông qua những triệu chứng cơ thể như đau đầu, rối loạn tiêu hóa... khiến các thành viên có thể gia tăng những lần bỏ học hoặc nghỉ làm việc vô cớ. Các thành viên có thể chưa nhận biết rằng đã có một sự mất thăng bằng xảy ra giữa hệ thống và môi trường sống xung quanh. Giải pháp để cải thiện là hệ thống cần phải tìm kiếm thông tin và tìm hiểu về các khaí niệm mới đến từ bên ngoài.

 (2) Giai đoạn kháng cự (Resistance)
 Hệ thống bị thách thức bởi tác nhân "lạ” (foreign element) đòi hỏi phải có một đáp ứng. Thông thường tác nhân lạ được thâm nhập vào hệ thống bởi một bộ phận thiểu số trong hệ thống tìm kiếm sự thay đổi (vd. Trong gia đình là những vị thành niên hoặc người trẻ). Tác nhân lạ thách thức tính ổn định của cấu trúc quen thuộc. Hầu hết các thành viên đều sẽ kháng cự lại bằng cách phủ nhận tính hợp lệ của cái "lạ”, né tránh chủ đề hoặc buộc tội kẻ đã gây ra vấn đề. Trong giai đoạn này, những phản ứng kìm hãm về tâm lý có thể biểu hiện ra bằng những phản ứng thể lý như hơi thở nông hơn hoặc tư thế cơ thể co cụm lại...

 Thành viên của hệ thống trong giai đoạn 2 cần được "mở cửa”, nhận thức hơn về hiện trạng, khắc phục các phản ứng như chối bỏ, né tránh hoặc qui lỗi.

(3) Giai đoạn hỗn độn (Chaos)
Hệ thống đi vào một trạng thái không nhận biết, quan hệ có thể bị gãy đổ, các kỳ vọng trước đây nay không còn giá trị nữa, phản ứng theo cách cũ không còn hiệu quả và khuôn mẫu hành vi cũ không thể thực hiện được.

Hệ thống mất đi sự cảm nhận về bản sắc và mối quan hệ phụ thuộc, kích hoạt sự lo âu và tình trạng dễ bị tổn thương (vulnerability). Những cảm xúc như thế rất dễ dẫn đến những biểu hiện xáo trộn chức năng thần kinh như run rẩy, choáng váng, tics và nổi mẫn. Các thành viên có thể ứng xử không đặc hiệu bằng cách thoái lui trở về với các quy luật sống như thuở còn thơ bé.

 Hỗn độn là giai đoạn mà trong hệ thống có những ứng xử thất thường cho thấy các thành viên đang cố gắng tìm kiếm những cách thức để có mối quan hệ hữu ích hơn với tác nhân lạ ban đầu. Các thành viên trong giai đoạn này cần được giúp để tập trung vào những cảm xúc của mình và nhận biết những nỗi sợ để có thể sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ của mình. Hỗn độn cũng là giai đoạn có tính sống động của tiến trình chuyển đổi.

 (4) Giai đoạn thống hợp (Integration)
Các thành viên bắt đầu khám phá ra một "ý tưởng chuyển đổi” (transforming idea) về việc tác nhân "lạ” kia có thể có lợi cho mình. Hệ thống vận hành phấn khởi hơn. Những quan hệ kiểu mới được thiết lập tạo điều kiện xuất hiện lại những cảm nhận về bản sắc và tính phụ thuộc. Nếu vận hành tốt, sự tiến triển sẽ diễn ra nhanh chóng.

 Khi có sự nhận biết về những khả năng mới, thành phần điều hành (executive) trong hệ thống sẽ hình thành nên những luật lệ mới, xây dựng những kiểu cách đáp ứng mới có chức năng tốt hơn. Các thành viên trong hệ thống sẽ phấn khởi hơn và cảm nhận mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn này, hệ thống vẫn cần được giúp đỡ nhiều vì có thể họ vẫn rơi vào thất vọng nếu xảy ra thất bại khi thực hiện những thử nghiệm mới.

(5) Trạng thái mới (New Status Quo)
Sự thay đổi được hệ thống tiếp nhận và được đồng hóa (assimilation).

 
Lê Thành Nhân (tổng hợp)

Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357