38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

5 CÁCH NGĂN CHẶN SỰ XẤU HỔ

| Ngày đăng: 09/03/2020, 09:25 AM |

  Sự xấu hổ là một trong những cảm xúc hủy hoại con người mạnh mẽ nhất, với khả năng thuyết phục chúng ta bằng giọng nói nhỏ trong đầu như một điều hiển nhiên – một trong những giọng nói đó nói "Tôi biết bạn sẽ thất bại", "Bạn sẽ không bao giờ thực sự phù hợp" và "Ai sẽ yêu bạn? ".

 

            Đó là một cảm giác vô cùng đau khổ và phổ biến. Giàu hay nghèo, thừa cân hay gầy, thành công hay khó khăn, chúng ta luôn có cảm giác xấu hổ bất cứ khi nào, dù chúng ta có thừa nhận nó hay không (và chúng ta thường không làm vậy). Xấu hổ có thể khiến mọi hoạt động của chúng ta ngưng trệ hoặc trở nên quá mức theo cách hủy hoại bản thân và người khác. Sự xấu hổ có liên quan đến thói quen nghiện, bạo lực, gây hấn, trầm cảm , rối loạn ăn uống và bắt nạt , vì vậy việc học cách đối phó và xây dựng các rào cản lành mạnh chống lại sự xấu hổ là một vấn đề rất quan trọng.

            Khi lần xấu hổ tiếp theo đến với bạn, hãy xem xét các cách ứng phó như sau:

 

 

1.                  Hiểu biết về sự xấu hổ.

Nhà nghiên cứu về sự xấu hổ và nhạy cảm- tác giả Brené Brown, Ph.D., LMSW , mô tả sự xấu hổ là "cảm xúc đau đớn quằn quại hoặc trải nghiệm khiến chúng ta tin rằng mình không hoàn thiện và do đó không xứng đáng với tình yêu và sự sở hữu." Không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta muốn nói về sự xấu hổ khi bị nó chi phối. Nếu ta làm vậy, những người khác có thể nhận ra vấn đề chúng ta đang mắc phải kinh khủng như thế nào.

Nhưng đó không phải là giải pháp tốt nhất. "Chúng ta nói về sự xấu hổ càng hạn chế, thì ảnh hưởng của nó đến cuộc sống càng gia tăng", tiến sĩ Brown giải thích trong cuốn sách Daring Greatly của cô ấy. "Nếu chúng ta trau dồi nhận thức về sự xấu hổ đủ để gọi tên và đối thoại với nó, chúng ta đã cơ bản loại trừ nó."

 

Thomas Scheff, giáo sư danh dự của ngành xã hội học tại UC Santa Barbara , viết trên tạp chí "Cultural Sociolog”  rằng xấu hổ là "những cảm xúc bị che khuất và ẩn giấu sâu nhất, và do đó nó có sức phá hoại mạnh nhất. Những cảm xúc đấy tựa như hơi gió thoảng qua - chúng chỉ gây rắc rối khi được che khuất ". 

 

Vượt qua sự xấu hổ  nghĩa là thừa nhận nó và chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta với những người đáng tin cậy trong cuộc sống, những người biết ta không hoàn hảo và luôn yêu thương ta. Sự đồng cảm của họ sẽ cho phép chúng ta có những cảm nhận khách quan về sự xấu hổ, cũng như giúp đưa ra các chiến lược để đối phó với nó. Đó là triết lý đang được sử dụng thành công  trong điều trị thói quen nghiện và sức khỏe tinh thần, khi mà những hiểu biết về nguyên tắc cơ bản của sự xấu hổ có thể giúp khách hàng nhận biết, hiểu và vượt qua sự xấu hổ -  nền tảng cho các vấn đề của họ.

Bằng cách thừa nhận sự xấu hổ, chúng ta không cho chúng tích tụ gây phiền muộn hoặc xác định rõ tính chất của chúng. "Khi chúng ta chôn giấu quá khứ, chúng ta mãi mãi trì hoãn vấn đề của quá khứ," Dr. Brown viết. "Nếu chúng ta có những vấn đề trong quá khứ, thì chúng ta cần bắt đầu tường thuật để kết thúc chúng." 

 

2.  Khám phá những gì bạn đang cảm nhận.

"Bạn nên xấu hổ," một người nào đó (hoặc giọng nói trong đầu) nói. Tuy nhiên, nếu điều này thật sự xảy ra thì có lẽ những gì bạn phải trải qua là cảm giác tội lỗi. Đó là một sự khác biệt quan trọng. Các nhà nghiên cứu xác định nó theo cách: Sự xấu hổ nghĩa là "Tôi tệ hại." Tội lỗi có nghĩa là "Tôi đã làm một việc tệ hại."

 

"Tồi tệ” có nghĩa là bạn cho là bản thân không có khả năng thay đổi hoặc làm tốt hơn. Sự ăn năn và hối tiếc có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi, mặt khác, chúng có thể thúc đẩy chúng ta bù đắp hoặc theo đuổi một hướng đi mới.

 

Cũng có thể "sự sỉ nhục" hay "sự lúng túng" là một cách quy gán chính xác hơn. Không có bất kỳ cảm giác nào trong chúng mang đến sự thoải mái, nhưng chúng không nhắm vào tự tôn của chúng ta như sự xấu hổ vẫn làm. Sự sỉ nhục có vẻ giống sự xấu hổ, nhưng nó đi kèm với cảm giác rằng chúng ta không đáng bị đối xử như vậy. Nếu bạn đang nghĩ, "Tôi không thể tin rằng ông chủ phê bình tôi trước mặt toàn thể nhân viên công ty vì không hoàn thành công việc trước thời hạn," đó là sự sỉ nhục. Nếu bạn đang nghĩ, "Tôi không thể tin rằng tôi đã vượt quá thời hạn đã định. Tôi là một kẻ thua cuộc ", đó là sự xấu hổ.

 

Sự lúng túng của người bạn cũ có thể thoáng qua trong chớp mắt, đơn giản chỉ vì chúng ta nhận ra điều đó xảy ra với tất cả mọi người. Bạn có thể "đỏ mặt tía tay”  khi bạn ngồi chệch ghế và ngã nhào trên sàn nhà, nhưng bạn biết rằng bạn không phải là người đầu tiên trãi qua việc này và cũng không phải là người cuối cùng.

 

Vì vậy, hãy dành thời gian để phân tích cảm giác bạn đang có và so sánh nó với cảm giác bạn nên có. Nó có thể giúp bạn thực hiện bước đầu tiên ra khỏi hố sâu của sự xấu hổ và bước lên một con đường mang tính xây dựng hơn.

  

3.  Tách những điều bạn làm ra khỏi giá trị của bản thân.

Chúng ta đều muốn người khác ngưỡng mộ những gì chúng ta mang đến, cho dù là trong công việc, ở nhà, trong cộng đồng, hoặc trên thế giới. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thích những đóng góp của chúng ta? Nếu giá trị của bản thân ta gắn liền với những gì chúng ta tạo ra hoặc đề nghị, câu trả lời là chúng ta có thể bị tổn thương sâu sắc bởi cảm giác xấu hổ có thể khiến chúng ta phải rút lui hoặc chịu sự đả kích: "Tôi là một thằng ngốc. Đó là lần cuối cùng tôi đề xuất ý tưởng trong một cuộc họp "hoặc" Ý tưởng của tôi có thể không tốt, nhưng ý tưởng của bạn còn tệ hơn nhiều! "Ngay cả nếu họ thích những đề nghị của chúng ta, thì sau đó chúng ta sẽ trở thành nô lệ của những yêu sách nhằm duy trì sự vui vẻ.

 

Dù bằng cách nào, nếu chúng ta xác định bản thân bằng những điều ta đã làm, thì chúng ta đã đặt hạnh phúc của mình vào tay người khác.

Tách những điều ta làm có nguồn gốc từ ý thức về giá trị bản thân với lợi ích quan trọng. Khi hai điều trên không đồng nhất, bạn sẽ tìm thấy sự tự do khi làm việc, chấp nhận rủi ro và tạo ra sáng kiến. Vâng, bạn có thể thất vọng nếu thế giới không vỗ tay chào đón những nỗ lực của bạn, nhưng những nỗ lực đó sẽ không bị hạ thấp giá trị theo cách đáng xấu hổ nhất có thể. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc những lời khen ngợi lẫn chỉ trích, tiếp thu ý kiến đóng góp, và tiến lên.

 

 

 4.  Nhận thức nguyên nhân gây ra sự xấu hổ của bạn.

Một trong những thủ đoạn xấu xa nhất của sự xấu hổ là đánh vào những nơi chúng ta bị tổn thương sâu sắc. Một bà mẹ trẻ thích tiết lộ những cảm xúc thầm kín, sẽ dễ cảm thấy xấu hổ nếu mọi người nghi ngờ cách cô nuôi dạy con cái. Một người chồng lo lắng về việc ông không xứng đáng trở thành trụ cột gia đình, có thể sẽ hiểu lời nhận xét của vợ về chiếc xe người hàng xóm mới mua như một cú đá xoáy để khiến ông xấu hổ, hơn là một lời bình phẩm vô tội.

 

Tóm lại, nỗi bất an hàng đầu của chúng ta chính là không nhận ra vấn đề gây nên sự xấu hổ. Bằng cách nhận thức được điều gì gây nên sự xấu hổ, chúng ta có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của chúng ngay trong giai đoạn trứng nước. Liệu có phải cảm xúc xấu hổ đang bủa vây bạn? Hãy cố gắng để xác định cảm xúc đã gây nên sự xấu hổ trước khi nó có thể khuếch đại.

 

Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Brown đã tìm được rất nhiều "loại xấu hổ", tuy nhiên sự xấu hổ hàng đầu đối với phụ nữ vẫn là không cải thiện được vẻ ngoài. Còn đối với nam giới, đó là nỗi sợ bị coi là yếu đuối, kém cỏi.

 

Thay vì khuất phục trước vô số nguyên do, hãy tìm cách ngăn cản chúng tiến vào cuộc sống của bạn. Bạn thật sự là ai, chứ không phải hao tâm tổn sức để đáp ứng một kỳ vọng từ bên ngoài hay cố gắng trở thành hình mẫu mà bạn nên hướng tới. Những tổn thương của bạn sẽ được tiêu giảm, song song với điều này, sự xấu hổ sẽ không còn tồn tại trong bạn.

 

5.  Tạo nên những mối quan hệ.

Bản chất của sự xấu hổ là nỗi sợ bị phân cách với các mối quan hệ. Bằng những cố gắng gần gũi với gia đình, bạn bè, cộng đồng và xã hội, hay đức tin về đấng tối cao, chúng ta có thể tạo ra những mối quan hệ thông qua việc học cách chấp nhận bản thân và người khác.

 

Nhà nghiên cứu Jessica Van Vliet tìm thấy giải pháp quan trọng trong việc khắc phục sự xấu hổ. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí "Psychology and Psychotherapy: Theory, Research, and Practic”,, cô viết: "Mọi người bắt đầu nhận ra rằng không chỉ có họ. Những người khác cũng làm những điều xấu thậm chí tồi tệ hơn, vì vậy họ không phải là người xấu xa nhất trên hành tinh. Họ bắt đầu tự nhủ: "Đây là con người, tôi là con người, những người khác cũng là con người.”

 

Ý nghĩa của những mối quan hệ giúp chúng ta tăng lòng trắc ẩn đối với chính mình, có nghĩa là chúng ta có nhiều khả năng để giải quyết sự xấu hổ mà không cần đến các giải pháp như chôn giấu nỗi đau bằng thuốc, rượu, mắng mỏ những người xung quanh, hoặc đưa ra những thông điệp đáng xấu hổ rằng chúng ta thực sự tồi tệ.

 

Có những mối quan hệ nghĩa là chúng ta có mặt vì những người khác khi họ cần. Một câu nói đơn giản: "Tôi biết bạn cảm thấy như thế nào" có thể tạo nên những điều kỳ diệu cho những ai đang chịu dày vò bởi sự xấu hổ.

 

 

Dương Nguyễn Thúy Vy (dịch)

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/where-science-meets-the-steps/201501/5-ways-silence-shame


 

Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357