38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

NHỮNG NGUYÊN TẮC KHOA HỌC TRONG TÂM LÝ HỌC

| Ngày đăng: 09/03/2020, 09:49 AM |

Cốt lõi của khoa học là một hướng tiếp cận để hỏi và trả lời các câu hỏi về thế giới quanh chúng ta. Tất nhiên, có những cách khác nhau để chúng ta học hỏi về thế giới và chính chúng ta: suy nghĩ lý trí (though reason), trực giác (intuition), và cảm nhận chung (common sense); tôn giáo và tâm linh (religion and spirituality); nghệ thuật (art); và những bài học của gia đình, bạn bè và người khác. Điều gì khiến khoa học nổi bật giữa những hướng tiếp cận này, trở thành tiến trình chính hướng dẫn bởi những nguyên lý chính xác?

 

            Những thái độ khoa học

 

Sự hiếu kỳ, chủ nghĩa hoài nghi và tâm trí cởi mở là những động cơ đằng sau các yêu cầu khoa học. Như một đứa trẻ không ngừng hỏi "Tại sao?”, nhà khoa học giỏi là người hiếu kỳ ham hiểu biết. Và giống như một thám tử bậc thầy, nhà khoa học giỏi là một người "mắc bệnh hoài nghi”. Mọi điều nhà khoa học khi bắt gặp đều được đòi hỏi với lời phản hồi "hãy đưa cho tôi xem chứng cứ của bạn”. Nhà khoa học cũng phải có tâm trí cởi mở để không tiếp tục ủng hộ những yếu tố, nếu có những kết luận đủ bác bỏ những niềm tin trước đây của chính họ.

 

            Theo đuổi vụ án mạng của Kitty Gonovese, hai giáo sư tâm lý học ở thành phố New York, John Darley và Bibb Latané, gặp nhau tại bữa ăn tối. Họ tò mò tại sao hàng tá người chứng kiến một tội ác khinh khiếp và không hề báo cho cảnh sát, họ đã quyết định nghiên cứu thêm về điều này. Darley và Latené cũng hoài nghi về lời giải thích "sự thờ ơ của những nhân chứng” từ các phương tiện truyền thông. Họ tin rằng không chắc chắn sự thờ ơ của những nhân chứng là nguyên nhân. Họ lưu ý tới những người chứng kiến có thể trông thấy những hàng xóm khác mở đèn và nhìn ra cửa sổ. Mỗi người chứng kiến có thể cũng lo lắng cho cảnh ngộ của  Kitty Gonovese nhưng giả định rằng có một ai đó khác tất nhiên sẽ giúp đỡ hay gọi cho cảnh sát.

 

            Darley và Latené lý luận rằng sự hiện diện của nhiều người chứng kiến đã tạo ra sự phân tán trách nhiệm (diffusion of responsibility), một trạng thái tâm lý mà mỗi người cảm thấy giảm trách nhiệm cá nhân hay sự can thiệp. Họ đã tiến hành một vài thực nghiệm để kiểm tra lời giải thích này nhưng cũng sẵn sàng cho khả năng các kết quả sẽ không hỗ trợ quan điểm của họ.

 

             Thu thập các chứng cứ: những bước trong tiến trình khoa học

Khoa học liên quan đến sự tiếp nối liên tục giữa quan sát và giải thích các sự kiện. 5 bước phản ánh cách thức mà khoa học đòi hỏi trong tiến trình nghiên cứu:

 

 

Bước 1: Xác định câu hỏi quan tâm. Sự ham hiểu biết khơi mào bước đầu tiên trong nghiên cứu khoa học: xác định câu hỏi quan tâm. Từ những trải nghiệm cá nhân, các tin tức sự kiện, bài báo khoa học, sách và các nguồn khác, các nhà khoa học nhận ra một điều gì đấy khơi dậy sự quan tâm của họ, và họ đặt câu hỏi về điều đó. Darley và Latené nhận thấy không ai giúp đỡ Kitty Gonovese và sau đó đặt câu hỏi rằng "Tại sao?”

 

Bước 2: Tập hợp thông tin và định hình các giả thuyết. Tiếp theo, các nhà khoa học kiểm tra xem có bất cứ nghiên cứu, lý thuyết và các thông tin khác trước đây có thể giúp trả lời câu hỏi của họ, và sau đó họ hình thành một giả thuyết. Họ chú ý đến việc mỗi nhân chứng có thể biết rằng có những người khác cũng đã chứng kiến cảnh ngộ của Kitty Gonovese, Darley và Latené cho rằng có một sự phân tán trách nhiệm làm giảm khả năng can thiệp của nhân chứng. Sự giải thích thăm dò này sau đó được chuyển thành giả thuyết, một dự đoán cụ thể về những hiện tượng thường có dạng mệnh đề "NẾU – THÌ”: "Trong một tình trạng khẩn cấp, NẾU có sự chứng kiến của nhiều nhân chứng THÌ khả năng mà mỗi nhân chứng can thiệp sẽ giảm xuống”.

 

Bước 3: Kiểm tra giả thuyêt bằng cách thực hiện nghiên cứu. Bước thứ ba là kiểm tra các giả thuyết bằng cách tiến hành nghiên cứu. Darley và Latené (1968) đã thiết kế nên "một tình huống khẩn cấp” và tiến hành ghi nhận lại phản ứng của những người tham gia. Những sinh viên nam được báo rằng họ sẽ tham gia thảo luận về "kinh nghiệm học đại học”. Để đảm bảo sự riêng tư, họ sẽ được ngồi ở những phòng riêng biệt, giao tiếp qua một hệ thống liên lạc nội bộ, và những nhà thực nghiệm sẽ không lắng nghe cuộc trò chuyện của họ. Các sinh viên được giải thích rằng họ sẽ thay phiên nhau nói theo vòng. Trong mỗi phiên trò chuyện, họ có 2 phút, trong thời gian chờ tới phiên họ sẽ không bị gián đoạn hay nghe thấy vì micro của họ đã được tắt.

            Khi cuộc trò chuyện được bắt đầu, một người đã chia sẻ về những khó khăn khi mới vào môi trường đại học và tiết lộ rằng từng bị động kinh. Trong phiên tiếp theo, người này thở hổn hển, nói: "Có ai đó giúp tôi với…..[âm thanh ngạt thở]…..tôi sắp chết mất…hãy đến nhanh lên…có…ai…đó…giúp…tôi…với…[sau đó là sự im lặng] (Darley và Latené, 1968, trang 379).

            Các sinh viên không biết rằng họ đang nghe âm thanh phát ra từ một cuộn băng. Điều này đảm bảo tất cả đều có những tiếp xúc giống hệt nhau. Để kiểm tra số lượng người tham gia ảnh hưởng thế nào đến sự giúp đỡ, Darley và Latené đã chia số sinh viên ứng với một trong ba điều kiện ngẫu nhiên cơ bản. Mỗi sinh viên hoạt động một mình nhưng được hướng dẫn để tin rằng, trên hệ thống liên lạc, (1) chỉ có một mình anh ta với nạn nhân mà thôi; (2) có 1 người nghe khác hiện diện; (3) có 4 người nghe khác hiện diện. Các sinh viên đều tin rằng cơn đột quỵ là có thật và nghiêm trọng. Nhưng họ có giúp đỡ không?

 

Bước 4: Phân tích dữ kiện, dự kiến kết luận, và báo cáo những phát hiện. Ở bước thứ tư, các nhà nghiên cứu phân tích các thông tin (gọi là dữ kiện) mà họ thu thập được, phát họa những kết luận dự kiến và báo cáo những phát hiện của họ cho cộng đồng khoa học. Như Hình 2.3, Darley và Latené tìm ra rằng những người tham gia nghĩ rằng chỉ có mình với nạn nhân sẽ giúp đỡ nạn nhân trong vòng 3 phút. Khi số lượng nhân chứng tăng lên, tỷ lệ người thực sự tham gia giúp đỡ giảm xuống, và thời gian những người đó phản ứng cũng lâu hơn. Những phát hiện này đã hỗ trợ cho lời giải thích về sự phân tán trách nhiệm và nghiên cứu này cũng chứng minh điều ngược lại với châm ngôn sống thông thường "Nơi an toàn là trong đám đông – There’s safety in numbers”

 

            Darley và Latené đã trình báo cáo mô tả nghiên cứu của họ cho một tạp chí khoa học. Các chuyên gia đã phản hồi cho tạp chí những nhận xét tích cực về chất lượng và tầm quan trọng của nghiên cứu này. Việc xuất bản nghiên cứu là điều cần thiết cho sự tiến bộ của khoa học. Nó cho phép các nhà khoa học học hỏi những ý tưởng và phát hiện mới, đánh giá nghiên cứu, và thách thức hay mở rộng nghiên cứu đó.

 

Bước 5: Xây dựng khung kiến thức. Ở bước thứ năm, các nhà khoa học sẽ xây dựng khung kiến thức từ câu hỏi nghiên cứu. Họ sẽ đặt nhiều câu hỏi hơn nữa (ví dụ, "những yếu tố khác ảnh hưởng đến những người chứng kiến?”), xây dựng giả thuyết mới và kiểm nghiệm giả thuyết bằng việc thiết kế nhiều nghiên cứu hơn. Khi có thêm các chứng cứ khác, các nhà khoa học sẽ cố gắng xây dựng học thuyết. Một học thuyết là sự tập hợp các phần trình bày chính thức giải thích về cách thức và nguyên nhân các sự kiện nhất định liên quan đến nhau. Học thuyết rộng lớn hơn so với giả thuyết.

 

 

Ví dụ, có hàng tá các thực nghiệm cho thấy sự phân tán trách nhiệm xảy đến trong hàng loạt các tình huống. Latené sau đó đã kết hợp nguyên lý về sự phân tán trách nhiệm với các nguyên lý khác về hành vi trong nhóm để phát triển thành một học thuyết rộng lớn về tương tác xã hội, mà học thuyết này được ông và nhiều người khác sử dụng để giải thích hàng loạt các hành động xã hội của con người (Latané & Bourgeois, 2001). Các nhà khoa học sử dụng học thuyết để xây dựng những giả thuyết mới, mà những giả thuyết này được kiểm nghiệm bởi nhiều nghiên cứu hơn nữa. Theo cách thức này, tiến trình khoa học sẽ trở nên tự điều chỉnh (self-correcting). Nếu các nghiên cứu thường ủng hộ những giả thuyết bắt nguồn từ học thuyết đó, tính tin cậy của học thuyết trở nên mạnh hơn. Nếu những dự đoán được bắt nguồn từ học thuyết đó không được ủng hộ bởi các nghiên cứu, thì sau đó nó phải được chỉnh sửa hoặc sẽ bị loại thải.

 

 

            Hai cách tiếp cận trong việc tìm hiểu Hành vi

            Định nghĩa và đo lượng các biến số

Con người có ao ước mãnh liệt là hiểu được tại sao mọi thứ lại xảy ra. Tại sao các nhà khoa học lại ủng hộ trước nhất cách tiếp cận từng bước một để tìm hiểu về hành vi hơn là cách tiếp cận thông thường bình dân: nhận thức theo sau (hindsight)?

 

            Nhận thức theo sau (Hiểu biết sau các sự kiện thực tế, After-the-fact Understanding)

Nhiều người nhận thức sai lầm rằng tâm lý học chẳng hơn gì những nhận thức thông thường. "Tôi biết điều đó từ lâu lắm rồi!” hay "Họ đã nghiên cứu để tìm kiếm một thứ ở đâu đâu ấy”, là những phản ứng thông thường trước một nghiên cứu tâm lý. Ví dụ, cách đây đã lâu, tờ New York Times đã xuất bản một bài báo phê bình kịch liệt một báo cáo có tựa đề "Những người lính Hoa Kỳ - The American Soldier” (Stouffer và cộng sự, 1949a, 1949b), tóm tắt các kết quả của một nghiên cứu về thái độ và hành vi của binh sĩ Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ II. Các nhà phê bình đã lên án chính phủ đã chi tiêu rất nhiều tiền cho việc "nói cho chúng ta biết những chuyện vặt vãnh mà chúng ta không cần biết”.

 

            Xem xét tiếp những phát biểu được nhiều người ủng hộ. Điều này sẽ giải thích vì sao chúng ta lại phải đầu tư cho những nghiên cứu này.

  1. So với những người lính da trắng, những người lính da đen có ít động lực để trở thành sĩ quan hơn.
  2. Trong quá trình đào tạo cơ bản, những người lính xuất thân từ nông thôn có tinh thần cao hơn và thích nghi tốt hơn so với những người lính xuất thân từ các thành phố lớn.
  3. Những người lính đang ở châu Âu có động lực trở về quê hương cao hơn trong khi chiến tranh đang xảy ra so với sau khi chiến tranh kết thúc.

            Bạn không quá khó khăn khi lý giải những phát biểu này. Những lý giải tiêu biểu có thể kể đến như một vài điều sau: (1) do những thành kiến phổ biến, những người lính da đen biết rằng họ có rất ít cơ hội để trở thành sĩ quan. Tại sao họ lại hạ mình theo đuổi một thứ không thể đạt được chứ? (2) rõ ràng rằng sự khắc nghiệt của khóa đào tạo cơ bản sẽ dễ dàng hơn cho người lính xuất thân từ nông thôn, những người phải làm việc cực nhọc cho đến khi tối mịt; (3) bất kỳ người lành lặn nào cũng muốn trở về nhà khi đạn bắn và xung quanh đầy người chết.

 

            Những lý giải của bạn giống với những điều trên? Nếu thế, chúng là những lý giải hoàn hảo? Dù thế nào, đây cũng là một cách tiếp cận. Kết quả của những nghiên cứu thực tế trái ngược với những phát biểu trên. Trong thực tế, lính da đen có động lực trở thành sĩ quan cao hơn so với lính da trắng; đàn ông ở thành phố có tinh thần hứng khởi hơn đàn ông nông thôn trong quá trình đào tạo cơ bản; và binh lính mong trở về nhà sau cuộc chiến cao hơn là trong khi nó đang diễn ra. Khi nói đến các kết quả thực tế này, các sinh viên của chúng tôi nhanh chóng tìm ra lời lý giải cho những kết quả đó. Trong thời gian ngắn, ta cũng dễ dàng đi đến những lý giải hợp lý cho bất kỳ kết quả nào.

 

            Trong cuộc sống hàng ngày, nhận thức theo sau (giải thích sau các sự kiện thực tế) có lẽ là phương pháp tiếp cận phổ biến nhất để cố gắng tìm hiểu về hành vi. Nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard cho rằng, "Cuộc sống là sống hướng về phía trước, nhưng hiểu biết thì ngược lại”. Hạn chế lớn nhất của việc chỉ dựa vào nhận thức theo sau là sự kiện trong quá khứ thường được giải thích theo nhiều cách, và không có cách nào để biết những giải thích này (nếu có) là chính xác. Mặc dù có nhược điểm này, những hiểu biết sau khi có sự kiện thực tế có thể cung cấp những kiến thức và thường là nền tảng mà trên đó các nghiên cứu khoa học được xây dựng. Ví dụ, giải thích về sự phân tán trách nhiệm của Darley và Latené ban đầu được dựa trên sự kiện thực tế về vụ án mạng của Kitty Genovese.

  

            Hiểu biết thông qua Dự đoán (Prediction), Kiểm soát (Control), Xây dựng học thuyết (Theory building)

Bất kỳ khi nào có thể, các nhà khoa học đều muốn kiểm tra những hiểu biết về "nguyên nhân của những điều đó là gì” trực tiếp hơn. Nếu chúng ta hiểu được nguyên nhân của một hành vi nhất định, thì chúng ta sẽ dự đoán được các điều kiện mà theo đó hành vi đó sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn nữa, nếu chúng ta kiểm soát được những điều kiện (ví dụ, trong phòng thì nghiệm), thì chúng ta có khả năng tạo ra hành vi đó.

 

            Nghiên cứu của Darley và Latené đã minh họa cho phương pháp này. Họ dự đoán rằng do sự phân tán trách nhiệm, sự hiện diện của nhiều nhân chứng trong trường hợp khẩn cấp sẽ làm giảm sự giúp đỡ của từng cá nhân. Tiếp đó, họ tổ chức cẩn thận một trường hợp khẩn cấp, và kiểm soát niềm tin của những những người tham gia về số lượng nhân chứng hiện diện. Dự đoán của họ đã được ủng hộ. Hiểu biết thông qua các dự đoán và kiểm soát là một giải pháp khoa học để có các hiểu biết sau các sự kiện thực tế.

 

              Xây dựng học thuyết là một sự kiểm nghiệm mạnh nhất về những hiểu biết khoa học, bởi học thuyết tốt tạo ra một mạng lưới hợp nhất của các dự đoán. Một học thuyết tốt có một vài các đặc điểm quan trọng:

  • Nó hợp nhất các kiến thức hiện hành trong một khuôn khổ rộng lớn, có nghĩa là, nó tổ chức thông tin theo một cách có ý nghĩa.
  • Nó có thể kiểm nghiệm. Nó tạo ra giả thuyết mới có độ chính xác có thể đánh giá bằng cách thu thập chứng cứ mới.
  • Các dự đoán của học thuyết này được hỗ trợ bởi những khám phá của các nghiên cứu mới.
  • Nó phù hợp với những luật lệ nghiêm ngặt: nếu hai học thuyết có thể giải thích và dự đoán cùng một hiện tượng tương tự nhau, học thuyết đơn giản hơn được ưu tiên.

             Ngay cả khi học thuyết được hỗ trợ bởi sự thành công của nhiều dự đoán, nó không bao giờ được xem là một chân lý. Luôn có thể có một vài quan sát tương lai sẽ mâu thuẫn với học thuyết này hoặc có một học thuyết mới hơn và chính xác hơn sẽ thay thế nó. Sự thay đổi các niềm tin và học thuyết cũ bởi những thứ mới hơn là bản chất của sự tiến bộ khoa học.

 

            Cuối cùng, mặc dù các nhà khoa học sử dụng dự đoán như là một sự kiểm nghiệm "sự hiểu biết”, điều này không có nghĩa là sự dự đoán đòi hỏi có sự hiểu biết. Dựa trên kinh nghiệm, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể dự đoán tiếng sấm sẽ theo sau ánh chớp mặc dù chẳng hiểu được lý do tại sao nó như vậy. Tuy nhiên, dự đoán dựa trên sự hiểu biết (tức là, các học thuyết được xây dựng) có ưu điểm: nó thỏa mãn tính tò mò của chúng ta và tạo ra các nguyên lý có thể được áp dụng cho các tính huống mới mà chúng ta chưa trực tiếp trải qua.

 

             Xác định và đo lường các biến số

 

Các nhà tâm lý học nghiên cứu các biến và mối quan hệ giữa chúng. Một biến, khá đơn giản, là một đặc tính hay yếu tố nào đó có thể biến thiên. Thứ tự sinh là một biến: một số người sinh đầu tiên, một số thứ hai và tiếp tục. Màu tóc con người, thu nhập, tuổi tác, giới tính, điểm trung bình, và tốc độ đánh máy là các biến: chúng thay đổi từ người này đến người khác, và qua thời gian cũng biến đổi trên cùng một người.

 

            Nhiều biến mà nhà tâm lý nghiên cứu đại diện cho các khái niệm trừu tượng không thể quan sát trực tiếp. Ví dụ, "lòng tự trọng – self-esteem”, "stress – căng thẳng”, và "thông minh – intelligence” là những khái niệm đề cập đến chất lượng bên trong con người. Chúng ta có thể nói rằng Tyra có lòng tự trọng cao, Shaun thông minh, và Claire cảm thấy căng thẳng, nhưng làm thế nào để chúng ta biết điều này? Chúng ta có thể không thể trực tiếp nhìn vào trong đầu và thấy "lòng tự trọng”, "thông minh” hay "căng thẳng”, nhưng những khái niệm này phải được đo lường nếu chúng ta muốn chúng có tính khoa học.

 

            Bởi vì bất kỳ biến nào cũng khác nhau ở những người khác nhau, các nhà khoa học phải xác định các giới hạn thật rõ ràng. Và khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phải xác định các toán tử định danh. Toán tử định danh (operational definitionđược định nghĩa là một biến số trong điều kiện thủ tục đặc thù có thể dùng để tạo ra và đo lường nó. Toán tử định danh để chuyển đổi các khái niệm trừu tượng thành cái gì đó có thể quan sát và đo lường.

 

            Để minh họa, giả sử chúng ta muốn nghiên cứu mối quan hệ giữa căng thẳng và thành tích học tập của các sinh viên đại học. Làm thế nào chúng ta định danh toán tử các biến của chúng ta? "Hiệu quả học tập” có thể có nghĩa là một số điểm kiểm tra, bằng cấp sau khóa học, hoặc điểm tổng kết trung bình. Vì vậy, đối với nghiên cứu này, cần xác định tính chất của điểm số trung bình của sinh viên với một chu trình hóa học. Với "stress – căng thẳng”, trước hoặc trong kỳ thi, chúng ta có thể đo mức độ căng thẳng cơ bắp hoặc sự lên xuống của nồng độ hormones, hoặc yêu cầu họ báo cáo cảm thấy căng thẳng như thế nào. Trong khi tiến hành kiểm tra, chúng ta có thể quan sát tần số cắn móng tay. Chúng ta cũng có thể xác định căng thẳng qua các điều kiện môi trường, chẳng hạn như câu hỏi kiểm tra hay mức độ phân loại của kỳ thi dễ dàng hay khó khăn. Hình bên đã tóm lược cách thức chúng ta có thể thực hiện để xác định căng thẳng trong kỳ thi thông qua các mức độ sinh học, tâm lý và môi trường. 

 

            Lượng giá là một việc thách thức, bởi vì các nhà tâm lý nghiên cứu các biến rất đa dạng và có tiến trình rất phức tạp. Một số tiến trình có thể quan sát trực tiếp, nhưng một số thì không thể. May mắn là các nhà tâm lý có nhiều kỹ thuật có thể sử dụng để lượng giá chúng.

 

             Tự báo cáo (self – report) hoặc người khác báo cáo (report by others)

Lượng giá tự báo cáo yêu cầu người đó báo cáo về kiến thức, thái độ, cảm nhận, kinh nghiệm hoặc hành vi của chính họ. Những thông tin này có thể được thu thập theo nhiều cách, chẳng hạn như qua phỏng vấn (interviews) hay bảng hỏi (questionnaires). Mấu chốt độ chính xác của tự báo cáo dựa trên khả năng và sự bằng lòng trả lời trung thực của người tham gia. Đặc biệt là các câu hỏi tập trung vào các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như thói quen tình dục hay việc sử dụng các chất gây nghiện, sự tự báo cáo có thể bị bóp méo bởi thành kiến mong đợi xã hội  (social desirability bias), đó là xu hướng phản ứng theo một cách xã hội có thể chấp nhận được chứ không thực sự là những cảm nhận hay hành vi của người đó.

 

            Những nhà nghiên cứu tìm cách giảm thiểu thành kiến này bằng cách thiết lập mối quan hệ tin cậy với người tham gia và đảm bảo sự bí mật danh tín của họ. Các bảng hỏi cũng có thể thiết kế để giảm thiểu thành kiến mong đợi của xã hội.

 

            Chúng ta cũng có thể thu thập thông tin về hành vi của ai đó bằng cách nhận báo cáo từ những người khác, chẳng hạn những người quen biết với người đó như cha mẹ, chồng/vợ, giáo viên. Những sinh viên đại học có thể được yêu cầu đánh giá các đặc điểm tính cách của bạn cùng phòng, người quản đốc cũng có thể được yêu cầu đánh giá mức độ năng lực của công nhân. Cũng như tự báo cáo, các nhà nghiên cứu cố gắng để tối đa hóa sự trung thực của những người tham gia khi báo cáo về người khác.

 

             Lượng giá các hành vi công khai (Measures of overt behaviors)

Một cách tiếp cận lượng giá khác là ghi nhận lại hành vi công khai (tức là, quan sát trực tiếp). Trong một thực nghiệm về học tập, có thể đo lường số lượng lỗi mà một người hay một con chuột trong phòng thí nghiệm mắc phải trong khi thực thi nhiệm vụ. Trong một thực nghiệm về tác dụng của chất kích thích, chúng ta có thể ghi nhận thời gian phản ứng của một người với sự thay đổi các kích thích (chẳng hạn như tia chớp hay ánh sáng) – sau khi uống một lượng rượu khác nhau. Trong thực nghiệm về những nhân chứng tình huống khẩn cấp của Darlay và Latené (1968), họ đã tiến hành ghi nhận lại thời gian các sinh viên giúp đỡ nhanh hay chậm nạn nhân động kinh.

 

            Các nhà tâm lý học cũng phát triển một hệ thống mã hóa (coding systems) để ghi nhận lại các nhóm hành vi khác nhau. Khi cha mẹ tham gia cùng với con thực hiện một nhiệm vụ, chúng ta có thể mã hóa hành vi của cha mẹ thành các nhóm: "động viên con”, "hỗ trợ cho con”, và "chỉ trích con”. Những người quan sát phải được đào tạo để sử dụng hệ thống mã hóa để sự lượng giá đáng tin cậy (reliable) (tức là, phù hợp). Nếu hai người quan sát nhìn thấy những hành vi tương tự nhau mà cứ không tán thành cách mã hóa của nhau (ví dụ, một người nói cha mẹ "động viên”, người khác thì cho là cha mẹ "hỗ trợ”), thì những mã hóa đó có tính tin cậy và khả dụng thấp.

 

            Con người và cả các loài vật có thể hành xử khác đi khi họ biết mình đang bị theo dõi, quan sát. Để chống lại vấn đề này, các nhà nghiên cứu có thể ngụy trang bản thân hay dùng các lượng giá không gây chú ý (unobtrusive measures), là những lượng giá giúp ghi nhận lại hành vi theo một cách thức giữ cho người tham gia không nhận biết rằng mình đang được quan sát. Một minh họa, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (The Center of Disease Control) đã đánh giá hiệu quả của chương trình "Tình dục an toàn hơn – safer sex” bằng cách đếm số lượng bao cao su đã qua sử dụng tại nhà máy xử lý chất thải Baltimore trước và sau khi chương trình này được bắt đầu (chúng tôi chưa bao giờ nói khoa học luôn quyến rũ).

 

            Các nhà tâm lý học cũng thu thập thông tin về hành vi bằng cách sử dụng hồ sơ lưu trữ (archival measures), là những hồ sơ và tài liệu đã có trước đây. Ví dụ, các nhà khoa học đánh giá chương trình làm giảm việc uống rượu bia khi lái xe bằng việc kiểm tra hồ sơ lưu trữ của cảnh sát đánh giá số lượng người bị bắt vì uống rượu bia khi lái xe trước và sau khi chương trình được thực hiện.

  

            Các test tâm lý (Psychological tests)

Các nhà tâm lý học phát triển và sử dụng các test chuyên biệt để lượng giá nhiều loại biến. Ví dụ, test nhân cách, một loại test đánh giá các nét nhân cách (personality traits) của con người, thường chứa một loạt các câu hỏi về cách thức cá nhân cảm nhận hoặc cư xử (ví dụ, "Đúng hay Sai: Tôi thường thích ở một mình hơn là tụ tập đông người”). Về bản chất, test là những bản tự báo cáo có tính chuyên dụng. Những test nhân cách khác nhau trình bày một loạt các tác nhân không rõ ràng (ví dụ, những bức tranh có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau), và những nét nhân cách được đánh giá dựa trên cách thức cá nhân diễn giải những tác nhân đó.

 

            Các test khác thường bao gồm các nhiệm vụ cần thực hiện. Ví dụ, test trí tuệ có thể yêu cầu một người lắp ráp các vật thể hoặc giải các bài toán. Test tâm lý thần kinh giúp chẩn đoán các chức năng bình thường và bất thường của não bộ bằng cách lượng giá một người hoàn thành các nhiệm vụ thần kinh và thể lý như thế nào, như là nhớ lại danh sách các từ hoặc thao tác với các đối tượng (Holtzer và cộng sự, 2005).

 

            Lượng giá chỉ số thể lý (Physiological measures)

Các nhà tâm lý học cũng ghi nhận những phản ứng thể lý để đánh giá những gì con người đang trải qua. Đo lường nhịp tim, huyết áp, nhịp thở, sự bài tiết hormones, các quá trình điện và hóa sinh trong não bộ từ lâu là cơ sơ chính để các nhà khoa học theo quan điểm sinh học làm việc, nhưng những lượng giá này ngày càng trở nên quan trọng ở nhiều lĩnh vực trong tâm lý học.

 

            Những phản ứng thể lý có thể là vấn đề biểu diễn cá nhân, một điểm chính mà chúng ta không phải lúc nào cũng hiểu ý nghĩa của chúng là gì. Ví dụ, nếu người người biểu hiện tăng nhịp tim và hoạt động não bộ trong một tính huống cụ thể, những cảm xúc hay suy nghĩ nào được hình thành? Mối liên kết giữa các mô hình đặc biệt của hoạt động thể lý và các sự kiện tâm thần cá nhân là một kinh nghiệm từ sự hoàn thiện những hiểu biết.

 

            Tóm lại, các nhà tâm lý học có thể lượng giá hành vi theo nhiều cách khác nhau, mỗi cách đều có những lợi thế và bất lợi. Để những phát hiện của họ có độ tin cậy cao hơn, các nhà nghiên cứu có thể dùng một vài các kiểu lượng giá trong một nghiên cứu. 

 

 

Trích Chương 2 "STUDYING BEHAVIOR SCIENTIFICALLY" ("Psychology: The science of mind and behavior")

Dịch: Lê Thành Nhân 


Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357