38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

THAM VẤN - MỘT TIẾN TRÌNH TÂM LÝ

| Ngày đăng: 09/03/2020, 10:14 AM |

1. Định nghĩa

- Tham vấn không phải là một cuộc phỏng vấn, điều tra, giảng dạy, thú tội.

- Tham vấn là một quan hệ, trong đó có một người cần được trợ giúp để thích nghi với một hoàn cảnh mà người đó không thể giải quyết được một mình. 

     Điều này đòi hỏi ở tham vấn viên (TVV) hai động tác:

1.  Thấu hiểu vấn đề như nó đang hiện diện nơi một con người duy nhất trong một cuộc đời riêng tư.

2.  Giúp thêm thân chủ biến chuyển trong chiều hướng thích nghi tốt nhất với hoàn cảnh.

 

2. Nguyên tắc 

     Thân chủ là người hiểu biết rõ sự bất cập hoặc rối loạn nằm ở chỗ nào và biết rõ họ sẽ được nhẹ nhỏm, thoải mái khi chướng ngại nào được cất khỏi tâm trí họ. Thân chủ là "chuyên viên giỏi nhất thế giới” về vấn đề của mình, chỉ vì sự tràn ngập trong tình cảm và xung khắc mà họ không đủ sáng suốt nhìn rõ vấn đề một cách khách quan. Phải để họ nắm thế chủ động trong diễn tiến của cuộc trị liệu, phải để họ trình bày vấn đề, như họ đang cảm nhận, theo cung cách của họ. Tham vấn viên chỉ làm sáng tỏ, đào sâu và phân tích, hầu giúp cho thân chủ có một biến chuyển trong suy nghĩ và tình cảm.

 

 3. Cách làm dẫn đến kết quả tốt

   3.1. Phản ánh 

      Thân chủ trước hết phải cảm thấy mình được hiểu. Không phải bằng những câu như "Tôi hiểu anh/chị lắm”, "Tôi rất hiểu hoàn cảnh này”... nhưng phải chứng minh cho thân chủ thấy. Và khi thân chủ thấy rồi, thì họ mới tiếp tục với hy vọng rằng mình sẽ được giải tỏa. 

        Phản ánh là nói lại bằng từ ngữ của mình một cách cô đọng hoặc rõ ràng hơn điều mà thân chủ vừa tỏ bày, và đạt được sự tán thành của thân chủ.         

 

 * Lợi ích : 

- Thân chủ cảm thấy TVV đã lắng nghe và hiểu mình. 

- Thân chủ được khích lệ tiếp tục. 

- Thân chủ được TVV tỏ cho thấy là mình được quý trọng. 

- TVV chắc chắn rằng mình đã không suy diễn và hiểu đúng. 

- Nếu hiểu sai thì thân chủ có thể giải thích lại và điều chỉnh kịp thời.    

 

  * Các hình thức :

1.  Phản ánh đơn giản: Tiếng vang của sa mạc - Lập lại điều quan trọng đã được nói lên. 

2.  Phản ánh tóm lược: Nói lên điều cốt yếu đối với thân chủ bằng từ ngữ của TVV. 

3.  Phản ánh soi sáng: Liên hệ đến cấu trúc tính tình hay quy luật tâm lý.     

 

Ví dụ 1:

Thân chủ: Tôi chán quá, hết chịu nỗi rồi.  TVV: Anh/chị đã đi đến mức cuối cùng của sự chịu đựng. 

Ví dụ 2:

Thân chủ: Chồng tôi làm việc ở nhà máy, anh ấy có địa vị khá cao.  TVV: Về phương diện thu nhập và uy tín xã hội, không có vấn đề gì đối với chị.       

Ví dụ 3:

Thân chủ: Tôi buồn vì biết rằng qua lúc phấn khởi này, tôi sẽ xuống dốc trở lại.  TVV: Anh nghĩ rằng phản ứng lên tinh thần của anh sẽ chóng qua, điều đó ngăn chận mọi tình cảm hài lòng nơi anh. 

 

    3.2. Hướng vào sự thay đổi bên trong, thay vì nhắm vào thay đổi hoàn cảnh bên ngoài

- Đa số thân chủ than phiền về hoàn cảnh, về những người xung quanh:  + Vợ tôi luôn chỉ trích hành vi của tôi.  + Sở giảm biên chế, và tôi là một nạn nhân...  - Phải hướng thân chủ vào tâm trạng của chính mình:  + Anh cảm thấy thế nào khi bị chỉ trích? + Anh phản ứng ra sao khi bị ngưng công việc? 

    Khi phân tích những tình cảm, những phản ứng của mình thì thân chủ cảm thấy mình không phải là bất lực và có thể thay đổi được một số điểm để tình trạng dễ thở hơn. 

    Carl Rogers, người đã sáng lập ra phương pháp "thân chủ trọng tâm”, nghĩ rằng những rối loạn tâm trí được gây ra bởi những mối tương giao bất hạnh, và muốn chữa trị, trước hết phải tạo nên mối tương giao lành mạnh (ít nhất là giữa TVV và thân chủ) để thân chủ có thể dựa vào mà lấy lại thế quân bình và tăng trưởng.

 

 4. Ba điều kiện của mối tương giao lành mạnh 

4.1. Trung thực (congruence) 

      TVV phải thể hiện ra bên ngoài những gì đang xảy ra bên trong, nghĩa là "khi trải nghiệm (experiece) của tôi trong phút này xuất hiện trong ý thức của tôi cũng hiện diện trong sự diễn tả ra ngoài, khi đó cả ba bình diện - trải nghiệm, ý thức, diễn tả - đều ăn khớp với nhau” (Freedom to learn - Chương 11). 

       Chỉ bằng cách này, mối tương giao lành mạnh mới thực sự hiện hữu, và nó có hiện hữu thì mới có ích được: "Trong khi tiếp xúc với những người khác, tôi đã nhận thấy rằng nếu tôi hành động có vẻ như không trung thực là tôi, thì kết cuộc chẳng giúp ích gì cho ai cả. Nghĩa là nếu thực sự tôi bực mình và gay gắt, mà lại làm ra vẻ bình thản, vui vẻ, thì chẳng ích gì. Nó cũng chẳng ích lợi gì khi tôi làm ra vẻ biết câu giải đáp trong khi thực sự mù tịt, hoặc khi thực sự chống đối nhưng lại tỏ ra là người muốn yêu thương kẻ khác. Nói một cách khác, trong tương giao của tôi với thân chủ, nếu tôi cố mang mặt nạ để che giấu tâm trạng thực sự của tôi ở bên trong thì mối tương giao của tôi cũng chẳng đem lại kết quả hữu ích nào” (Tiến trình thành nhân - Chương 1). 

 

 4.2. Tôn trọng vô điều kiện 

    Tôn trọng vô điều kiện là nhiệt tình tôn trọng người kia như một con người có giá trị, bất kể địa vị, hành vi hoặc cảm quan tích cực hay tiêu cực của người ấy; tôn trọng người ấy như một con người riêng biệt, với tâm trạng của họ trong lúc này. Thái độ tương tự như thái độ của người mẹ đối với trẻ thơ. "Khi tham vấn viên trải nghiệm được một tình cảm nồng nhiệt, tích cực và chấp nhận đối với thân chủ, thì thái độ này sẽ tạo ra sự thay đổi. Điều này hàm ý nghĩa là TVV chân thành mong muốn thân chủ sống bất cứ cảm quan nào đang diễn ra trong lòng họ lúc đó: sợ hãi, bối rối, đau đớn, kiêu hãnh, giận dữ, thù ghét, yêu thương, can đảm hay kinh hoàng” (Tiến trình thành nhân - Chương 4). 

       Sự chấp nhận mọi phương diện biến chuyển của thân chủ tạo nên một mối tương giao ấm cúng, an toàn mà người ấy có thể sử dụng được. Chấp nhận không có nghĩa là tán thành. Chấp nhận để rồi người kia thay đổi. Các công trình khảo cứu chứng tỏ rằng nhà trị liệu càng chấp nhận thân chủ, thì sự trị liệu càng dễ thành công.

 

4.3. Thấu cảm (empathy) 

   Nhà trị liệu nhờ một nghệ thuật lắng nghe sâu sắc, cảm được từ bên trong những cảm quan mà thân chủ đang sống, hiểu vấn đề trên bình diện của thân chủ, từ quan điểm của họ, nhìn mọi việc trong nhãn giới của thân chủ. Chấp nhận không có nghĩa nhiều nếu nó không đưa đến sự cảm thông. 


    "Chỉ khi tôi cảm thông được các cảm quan và tư tưởng, dù chúng hết sức kinh khủng đối với bạn, hết sức yếu đuối, hết sức kỳ quái... thì bạn mới thực sự cảm thấy tự do thám hiểm mọi hốc kẹt kín đáo và nứt rạn đáng sợ trong nội tâm của bạn. Cũng như những kinh nghiệm thường bị chôn vùi của bạn” (Tiến trình thành nhân - Chương 2).       Khi ba điều kiện trên được thực hiện thì tham vấn viên trở thành một bạn đồng hành của thân chủ, theo chân người đó trong cuộc tìm kiếm bản ngã của họ. Các công trình khảo cứu cho thấy rằng những thái độ như thế, hơn là kiến thức, kỹ thuật hay sự khéo léo của tham vấn viên, có ảnh hưởng trước hết trên sự thay đổi nơi thân chủ. 

 

     Về sự hiện hữu của ba điều kiện trên, Rogers xác nhận: "Không phải lúc nào tôi cũng có thể thực hiện được loại tương giao này đối với người khác, nhưng nếu tôi giữ được trong tôi thái độ chân thực và trong suốt, thái độ nhiệt tình tôn trọng và thái độ cảm thông sâu xa, thì sự thay đổi và phát triển con người một cách xây dựng nhất định sẽ xảy ra. Tôi chỉ dùng chữ nhất định sau khi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ càng” (Tiến trình thành nhân - Chương 2). 

 

Nguồn: Ts Tố Nga.


Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357