38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

CƠ CHẾ PHÒNG VỆ (DEFENSE MECHANISM)

| Ngày đăng: 09/03/2020, 10:24 AM |

Trong trường phái phân tâm học, cơ chế Phòng vệ (defense mechanism) có động lực từ vô thức, đây là chiến lược tâm lý phát huy bởi các thực thể khác nhau nhằm đối phó với thực tế và duy trì hình ảnh bản thân. Người khỏe mạnh thường sử dụng nhiều cơ chế phòng vệ khác nhau trong suốt cuộc đời. Một cơ chế phòng vệ trở thành bệnh lý khi nó được sử dụng liên tục dẫn đến hành vi không thích nghi (maladaptive) làm sức khỏe thể chất và /hoặc tinh thần của cá nhân bị ảnh hưởng xấu. Mục đích của cơ chế phòng vệ  là bảo vệ tâm trí (mind)/hình ảnh cái tôi (self)/chức năng của cái tôi (ego) khỏi sự lo âu (anxiety) , sự trừng phạt (sanction) của xã hội hoặc để cung cấp một nơi trú ẩn cho một tình huống mà người ta không thể đối phó trong hiện tại. 

 

Chúng được gọi chính xác hơn là cơ chế phòng vệ cái tôi (ego mechanism of defense). Có thể gọi như thế là do cách vận hành của các cơ chế phòng vệ. Khi các xung năng của id (libido và xung năng gây hấn) nổi dậy, chúng xung đột với cái siêu ngã (superego) (giá trị và niềm tin, đạo đức và qui chuẩn xã hội), và khi đó xuất hiện mối đe dọa bên ngoài đặt ra cho bản ngã (ego), chúng có nguy cơ làm lộ ra "bộ mặt” của ego. Do thế,  ego phải viện dẫn đến các cơ chế phòng vệ để dẹp yên các mối đe dọa này! 

 

Thuật ngữ "cơ chế phòng vệ (defense mechanism)” trước đây để chỉ các đặc điểm nhân cách nhằm phòng tránh các mất mát hay trải nghiệm gây sang chấn; những ý kiến cho đó là các phản ứng của ego được đưa ra từ sau thời con gái của S.Freud – Anna Freud. Do đó, tới bây giờ các Cơ chế phòng vệ đôi khi bị nhầm lẫn với các chiến lược đối phó (coping strategies). Một tài liệu được sử dụng để đánh giá các cơ chế này là các câu hỏi về kiểu phòng vệ - DSQ 40 (Defense Style Questionnaire – DSQ 40). 

 

Structural model: The id, ego, and superego  (Mô hình bộ máy tâm thần: id, ego, superego)

Khái niệm xung năng của id là từ Mô hình bộ máy tâm thần của Sigmund Freud. Theo lý thuyết này, xung năng của id được dựa trên những nguyên tắc khoái lạc (pleasure principle): tức là được thỏa mãn ngay lập tức các ước muốn và nhu cầu. Sigmund Freud tin rằng xung năng của id đại diện cho bản năng sinh học của mỗi người, như gây hấn (aggression) (Thanatos hoặc bản năng chết) và tính dục (sexuality) (Eros hay bản năng sống). Ví dụ, khi các xung năng của id (ví dụ như mong muốn quan hệ tình dục với một người lạ) xung đột với siêu ngã – superego (ví dụ như niềm tin vào các qui ước xã hội của việc không được quan hệ tình dục với người lạ), cảm giác không hài lòng hoặc cảm giác lo lắng có nguy cơ tác động đến "bộ mặt (surface)” – Chức năng và hình ảnh bản thân. Để giảm những cảm xúc tiêu cực, cái tôi – ego có thể sử dụng các cơ chế phòng vệ (có ý thức hay vô thức làm tắc nghẽn các xung năng từ id). 

 

Freud cũng tin rằng cuộc xung đột giữa id và superego dẫn đến các xung đột trong Các giai đoạn trong phát triển Tâm lý tính dục (The Devopmental of psychosexual stage). 

 

Definitions of individual psyche structures (Định nghĩa về các bộ phận trong bộ máy tâm thần)

Freud đã đề xuất ba bộ phận của cấu trúc tâm lý (hoặc nhân cách):

  • Id: Phần ích kỷ, nguyên thủy, có tính trẻ con, phần nhân cách được định hướng bởi khoái lạc, không có khả năng trì hoãn sự đòi hỏi đáp ứng.
  • Superego: Phần nhân cách luôn tiếp thu các tiêu chuẩn xã hội và học từ cha mẹ: thế nào là "tốt” và " xấu” , hành vi "đúng” và "sai”.
  • Ego: Yếu tố đứng giữa tìm cách thỏa hiệp cho id và superego. Nó có thể được xem là "ý nghĩa về thời gian và địa điểm" của chúng ta.

 

Primary and secondary processes (Các quá trình của vô thức và ý thức) 

Đầu tiên là quá trình vô thức (unconscious primary process), nơi mà những ý nghĩ không được tổ chức một cách mạch lạc, các cảm xúc có thể thay đổi, không có sự tồn tại của mâu thuẫn, tất cả ngưng kết để phát sinh phần vô thức (uncouncious). Nơi đây cũng không tồn tại logic và đường liên hệ về thời gian. Lòng ham muốn – Sắc (Lust) chi phối quá trình vô thức. Ngược lại, quá trình ý thức (secondary processes), nơi đây một ranh giới vững chắc được thiết lập và các tư tưởng phải được tổ chức theo một cách mạch lạc. Hầu hết những ý nghĩ vô thức có nguồn gốc ở đây.

 

The reality principle (Nguyên tắc thực tế)

Các xung năng của id không thích hợp trong xã hội văn minh, vì vậy xã hội ép chúng phải sửa đổi nguyên tắc khoái lạc (pleasure principle) thành nguyên tắc thực tế (external/reality principle), đó là các yêu cầu của thế giới bên ngoài.

 

Formation of the superego (Sự hình thành của cái siêu ngã/siêu tôi)

Các hình thức superego hình thành khi trẻ lớn lên và học tiêu chuẩn từ cha mẹ và xã hội. Superego bao gồm hai thành phần:

-         lương tâm (conscience): nơi chứa các thông tin về những gì là "xấu" và những gì đã bị trừng phạt

-         Và các lý tưởng tự ngã (ego ideal): nơi chứa các "cửa hàng thông tin” về những gì là "tốt" và những thông tin "nên" hoặc phải làm được.

 

The ego's use of defense mechanisms (Cách thức ego vận hành cơ chế phòng vệ)

Khi lo hãi (anxiety) trở nên quá mức nguy hiểm, đó là lúc ego sử dụng các cơ chế phòng vệ để bảo vệ cá nhân. Cảm giác tội lỗi (guilt), bối rối (embarrassment) và xấu hổ (shame) thường đi kèm với cảm giác lo hãi. Trong cuốn sách đầu tiên về cơ chế phòng vệ: "The Ego and the Mechanism of Defense” (1936), Anna Freud giới thiệu khái niệm tín hiệu lo hãi (signal anxiety), bà nói rằng : "lo hãi không phải là một xung năng trực tiếp gây căng thẳng nhưng là một tín hiệu dự báo trước mối nguy hiểm từ các xung năng gây căng thẳng”. Chức năng của tín hiệu lo hãi (quan trọng nhất và giúp thích nghi) là cảnh báo cho sinh vật những nguy hiểm hoặc đe doạ tới sự cân bằng của bộ máy tâm thần. Lo hãi là cảm giác về sự gia tăng quá mức căng thẳng của cơ thể hoặc tinh thần; cơ thể nhận ra các tín hiệu bất thường này để đề ra các hành động tự vệ nhằm đối phó với sự nguy hiểm. Cơ chế phòng vệ hoạt động bằng cách làm chuyển các xung năng của id  vào các hình thức có thể chấp nhận được, hoặc dập tắt các xung đột giữa  vô thức và ý thức.

 

Theories and classifications (Các lý thuyết và phân loại)

Danh sách các cơ chế bảo vệ rất lớn, không có sự thống nhất giữa các nhà chuyên môn về số lượng các cơ chế phòng vệ. Các nhà lý thuyết khác nhau có cách sắp xếp, tổ chức và đưa ra quan điểm khác nhau về Cơ chế phòng vệ. Paulhus, Fridhandler và Hayes (1997) và Cramer (1991) đã đánh giá rất cao lý thuyết về Các cơ chế phòng vệ. Journal of Personality  đã xuất bản một số đặc biệt về Cơ chế phòng vệ (1998).

 

Otto F. Kernberg (1967) đã phát triển lý thuyết về Nhân cách ranh giới (Borderline personality), mà một trong những hậu quả của nhân cách này là có thể bị rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality disorder). Lý thuyết của ông dựa trên học thuyết tâm lý học cái tôi (ego psychology) và quan hệ đối tượng (object relationships). Nhân cách ranh giới phát triển khi trẻ không thể hòa hợp tính tích cực và tiêu cực của đối tượng với nhau. Kernberg xem việc sử dụng quá nhiều Các cơ chế phòng vệ nguyên thủy/bệnh lý (primitive defense) như là nguyên nhân chủ yếu hình thành loại nhân cách này. Cơ chế phòng vệ tâm lý nguyên thủy/bệnh lý gồm: phóng chiếu (projection), phủ nhận (denial), phân ly (dissociation) hoặc phân tách (splitting), và chúng được gọi là cơ chế phòng vệ ranh giới (borderline defense mechanism). Ngoài ra, giáng cấp (devaluation) và phóng chiếu đồng nhất hóa (projective identification) cũng được xem là phòng vệ ranh giới.

 

George Vaillant Eman đã phân loại và chia các hình thức, mức độ của các cơ chế phòng vệ trong sự phát triển liên tục. Các mức độ theo G.Vaillant gồm:

  • Mức I – Phòng vệ bệnh lý ( Pathological defenses hoặc Primitive defenses): không đánh giá được thực tại (realizty tesing); không giữ luật lệ. Gồm: phủ nhận loạn tâm (psychotic denial), phóng chiếu hoang tưởng (delusional projection)…
  • Mức II – Phòng vệ chưa trưởng thành (Immature defenses): Thực tại vẫn còn (vẫn biết thực tại) nhưng những người này thường phá hỏng luật, phá hỏng mối quan hệ. Gồm: viễn tưởng (fantasy), phóng chiếu (projection), gây hấn thụ động (passive aggression), phóng ngoại (acting out)…
  • Mức III – Phòng vệ nhiễu tâm (Neurotic defenses): Thực tại vẫn giữ nguyên, giữ được luật lệ xã hội, nhưng có xung đột giữa cảm xúc và tư duy. Gồm: lý trí hóa (intellectualization), dạng phản ứng (reaction formation), phân ly (dissociation), chuyển vị (displacement), dồn nén (repression)…
  • Mức IV – Phòng vệ trưởng thành (Mature defenses): có sự cân bằng giữa cảm xúc và tư duy. Gồm: hài hước (humor), thăng hoa (sublimation), kiềm chế (suppression), vị tha (altruism), biết tiên liệu (anticipation)…

Lý thuyết của Robert Plutchik (1979) cho rằng cơ chế phòng vệ bắt nguồn từ các cảm xúc cơ bản (basic emotion). Cơ chế phòng vệ trong lý thuyết của ông gồm: dạng phản ứng (reaction formation), phủ nhận (denial), dồn nén (repression), đền bù (compensation), phóng chiều (projection), chuyển vị (displacement), lý trí hóa (intellectualization)…

 

Trong cuốn Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (The Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM IV) được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association – 1994) cũng có một bảng chẩn đoán dự kiến các cơ chế phòng vệ. Bảng này phần lớn là dựa trên Các mức độ của cơ chế phòng vệ theo G.Vaillent nhưng có một số sửa đổi .

  

Vaillant's categorization of defense mechanisms (Bộ các cơ chế phòng vệ của Vaillant)

 

Mức I – Pathological ( Bệnh lý/ nguyên thủy)

Khi các cơ chế phòng vệ ở mức độ này chiếm ưu thế hầu như luôn luôn dẫn đến rối loạn nhân cách (pathological). Các phòng vệ bệnh lý kết hợp nhằm sắp xếp lại các kinh nghiệm bên trong, loại bỏ sự liên hệ với thực tế. Những người rối loạn nhân cách hay sử dụng các cơ chế phòng vệ này, người khác xem họ là bất hợp lý (irrational) hoặc mất trí (insane). Đây là những phòng thủ "loạn tâm” thường bắt gặp ở những người loạn tâm (psychosis). Tuy nhiên, khi chúng xuất hiện trong giấc mơ hoặc trong thời thơ ấu thì không có gì bất thường cả!

Chúng bao gồm:

  • Phóng chiếu hoang tưởng (Delusional Projection):  cho rằng thế giới bên ngoài đang muốn hành hạ, ngược đãi, khủng bố… người đó.
  • Phủ nhận (Denial): từ chối chấp nhận một thực tế bên ngoài bởi vì nó quá nguy hiểm; không chấp một kích thích gây lo hãi bằng cách nói nó không tồn tại; giải quyết xung đột tình cảm và giảm lo lắng bằng cách từ chối nhận thức (hoặc từ chối ý thức ghi nhận) sự khó chịu từ nhiều khía cạnh của thực tại bên ngoài .
  • Bóp méo thực tại (Distortion): định hình lại toàn bộ thực tại bên ngoài để đáp ứng nhu cầu bên trong nội tâm.
  • Phân tách (Splitting): một phòng vệ nguyên thủy/bệnh lý. Những yếu tố tiêu cực và tích cực của một thực thể bị chia tách và không thể hợp nhất trong một hệ thống nhất. Ví dụ cơ bản: Một người quan điểm của người khác hoặc là bẩm sinh tốt hoặc bẩm sinh ác, chứ không thể đồng thời tồn tại cả hai.
  • Phóng chiếu cực độ (Extreme projection): từ chối thẳng thừng sự kém cỏi của bản thân bằng cách coi đó là thiếu hụt của một cá nhân hoặc một nhóm xã hội nào đó.

Mức II – Immature (chưa trưởng thành)

Những cơ chế này thường hiện diện ở người lớn (adult) và nhất là ở tuổi vị thành niên (adolescents). Những cơ chế này làm giảm bớt đau khổ và lo hãi trong chính mình và bởi người khác đe dọa hoặc từ những thực tế bên ngoài không thoải mái. Những người sử dụng loại phòng vệ quá mức được xem là thất bại trong việc xã hội hóa, khó khăn để xử lý và tạo lập các mối quan hệ thực sự bên ngoài. Đây là những phòng vệ "chưa trưởng thành”, việc sử dụng quá mức gần như luôn luôn dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trong khả năng người đó đối phó với thực tại. Các phòng thủ thường thấy ở những người mắc trầm cảm nặng (server depression) và rối loạn nhân cách (personality disorder). Ở tuổi vị thành niên (adolescence), sự xuất hiện của các phòng vệ này là bình thường.

Chúng bao gồm:

  • Phóng ngoại (Acting out): trực tiếp biểu hiện một mong muốn vô thức hoặc xung động (không nhận thức hay ý thức được bằng cảm xúc mà phải biểu lộ bằng các hành vi biểu cảm).
  • Viễn tưởng (Fantasy): Xu hướng rút lui vào thế giới tưởng tượng để giải quyết xung đột bên trong và bên ngoài (nhưng vẫn ý thức được thế giới đó là không có thật).
  • Lý tưởng hóa (Idealization): vô thức lựa chọn, thúc đẩy một người nhìn nhận một cá nhân/sự kiện nào đó là có phẩm chất hoàn mỹ hơn người đó/sự kiện đó thực sự có.
  • Gây hấn thụ động (Passive aggression): mong muốn gây tổn thương đối với người khác bằng cách thể hiện gián tiếp hoặc thụ động qua việc làm tổn thương chính bản thân mình.
  • Phóng chiếu (Projection): là một hình thức nguyên thủy của ám sợ (paranoia). Phóng chiếu làm giảm sự lo lắng bằng cách cho phép chuyển những xung đột không mong muốn hoặc các mong muốn không thể thực hiện của bản thân tập trung vào một thứ không thể chấp nhận/không mong muốn khác (gồm: thành kiến cố chấp – prejudice, ghen tuông quá mức – jealousy, quá đề phòng với những nguy hiểm – hypervigilance to external danger): "một tập hợp các bất công (injustice collecting)” à sau đó chuyển dịch những suy nghĩ không thể chấp nhận, cảm xúc và xung động bên trong mình lên người khác. Đó là những suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin và động cơ được cảm nhận như đang được sở hữu bởi người khác.
  • Phóng chiếu đồng nhất hóa (projective identification): Các đối tượng của sự phóng chiều mang chính xác những cảm xúc, suy nghĩ hoặc hành vi của chính bản thân người phóng chiếu.
  • Thực thể hóa (somatization): chuyển đổi các cảm xúc tiêu cực với người khác/bản thân thành những cơn đau, bệnh tật,lo lắng.

Mức III – Neurotic (Nhiễu tâm)

Những cơ chế được coi là cơ chế của nhiễu tâm (neurotic) phổ biến hơn ở những người đã qua tuổi vị thành niên. Các cơ chế phòng vệ này thường phát huy tác dụng trong ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể gây ra những vấn đề lâu dài trong mối quan hệ, công việc và sự tận hưởng cuộc sống, nó được sử dụng như là phương cách giúp hòa nhập với thực tế và đối phó với thế giới.

Chúng bao gồm:

  • Chuyển vị (displacement): là cơ chế phòng vệ thay đổi các xung năng (tính dục hay gân hấn) từ nơi này đến một nơi ít bị đe dọa hơn; chuyển cảm xúc vào một hướng an toàn hơn; tách cảm xúc khỏi đối tượng thực sự và chuyển hướng cảm xúc mãnh liệt này sang một ai đó hoặc cái gì đó là ít gây khó chịu hoặc đe dọa. Việc này là để tránh việc đối diện trực tiếp với những gì đáng sợ hoặc đe dọa. Ví dụ, một người mẹ có thể la mắng con của cô ta trong khi thực sự là cô đang tức giận với chồng.
  • Phân ly (Dissociation): tạm thời sửa đổi những cảm xúc mãnh liệt (nét tính cách/bản chất cá nhân) để tránh những cảm xúc buồn bực, tách hoặc tạm thời kềm chế lại một cảm xúc thường đi kèm chung với một tình trạng hay suy nghĩ nào đó.
  • Bệnh tưởng (Hypochondriasis): Một mối bận tâm quá mức hay lo lắng thái quá dẫn đến ám ảnh về việc có một căn bệnh nghiêm trọng (có những biểu hiện bệnh thực thể nhưng không đầy đủ và mơ hồ).
  • Lý trí hóa (Intellectualization): Một hình thức của sự tách biệt hóa (Isolation), tập trung vào các yếu tố lý trí – giải thích một tình huống nhằm tách biệt sự liên hệ với những cảm xúc gây lo hãi, khó chịu; loại bỏ những cảm xúc từ những ý tưởng, suy nghĩ, mong muốn; phủ nhận những cảm xúc và không đá động đến chúng, không chấp nhận khía cạnh cảm xúc của một sự kiện chỉ tập trung vào khía cạnh lý trí – logic.
  • Tách biệt hóa (Isolation): Tách những cảm xúc từ những ý tưởng và các sự kiện. Ví dụ, mô tả một vụ giết người với các chi tiết sinh động mà không có phản ứng cảm xúc.
  • Hợp lý hóa (Rationalization tự bào chữa – making excuses): là trường hợp một người tự thuyết phục mình rằng: anh ta/cô ta đã không thực hiện sai lầm và rằng tất cả chỉ là sự thiếu sót nào đó. Một dấu hiệu của cơ chế phòng vệ này là nhìn nhận mọi việc không hoàn thiện trong cuộc đời của bản thân đến từ những khiếm khuyết chung của mọi người trong xã hội.
  • Dạng phản ứng (Reaction formation): Chuyển đổi mong muốn vô thức hoặc xung năng có thể gây nguy hiểm sang một hướng ngược lại với những gì ta thật sự mong muốn hoặc cảm thấy; tin tưởng vào những thứ trái ngược vì niềm tin thực sự khiến bản thân bị lo hãi. Cơ chế này tỏ ra có hiệu quả trong ngắn hạn nhưng cuối cùng sẽ tự biến mất.
  • Thoái lui (Regression): tạm thời ego bị đẩy về giai đoạn phát triển trước đây thay vì xử lý các xung động không thể chấp nhận một cách trưởng thành hơn.
  • Dồn nén (Repression): là quá trình cố gắng để đẩy lùi những ham muốn đối với bản năng đòi thỏa mãn, bởi vì điều này sẽ gây đe dọa đến chức năng – hình ảnh bản thân khi mong muốn này được đáp ứng à do đó buộc phải chuyển chúng đến vùng vô thức trong nỗ lực để ngăn chặn chúng xâm nhập vào vùng ý thức.Vd: Chúng ta không thể giải thích vì sao chúng ta có những cảm xúc khác thường nào đó vì có thể những điều dẫn đến những cảm xúc đó đã "bị vắng mặt” ở vùng ý thức.
  • Sự hủy bỏ - tái thực hiện (Undoing): Một người cố gắng "undo” một hành vi, suy nghĩ không lành mạnh hoặc gây đe dọa bằng cách tiến hành những hành động hoàn toàn trái ngược với chúng.

Mức 4 – Mature (Trưởng thành)

Đây là những cơ chế thường được tìm thấy trong đời sống tinh thần của những người được coi là trưởng thành, thậm chí nguồn gốc của chúng đã nhen nhóm xuất hiện ở một số người chưa trưởng thành về mặt thể lý. Họ có khả năng điều chỉnh bản thân trong các hoàn cảnh khác nhau nhằm tối ưu hóa sự thành công trong cuộc sống và thiết lập các mối quan hệ. Việc sử dụng các cơ chế phòng vệ này chỉ để tăng cường niềm vui trong cuộc sống và những cảm xúc của sự kiểm soát bản thân. Các cơ chế phòng vệ này giúp chúng ta có thể tích hợp cảm xúc và suy nghĩ mâu thuẫn, trong khi vẫn còn có cảm giác hiệu quả. Những người sử dụng các cơ chế này thường được coi là người có đạo đức tốt (virtuous).

Chúng bao gồm:

  • Vị tha (Altruism): những ý nghĩ tích cực, giàu lòng tha thứ đối với người khác, và chúng mang lại niềm vui và sự thỏa mãn cá nhân.
  • Biết tiên lượng (Anticipation): lập kế hoạch hành động cho những cảm giác – hoàn cảnh khó chịu trong tương lai.
  • Hài hước (Humor): ý tưởng và cảm xúc được thể hiện ra nhằm đem tới niềm vui cho người khác. Những suy nghĩ này có thể bắt nguồn từ sâu bên trong, nhưng họ biết "đi quanh mép vòng tròn – skirted round" của sự hài hước vô hại.
  • Định hình (identification): Các mô hình vô thức định hình nên chính bản thân chúng ta (bởi tính cách và hành vi) – khiến ta là chính ta không lẫn lộn vai trò với ai khác.
  • Nội hóa (Introjection): đồng hóa một số suy nghĩ, tính cách, cách thức giải quyết (của một đối tượng có ảnh hưởng sâu sắc đến chúng ta) thành một phần của chúng ta.
  • Thăng hoa (Sublimation): biến đổi cảm xúc tiêu cực hay đòi hỏi bản năng thành những hành động, hành vi hay cảm xúc tích cực.
  • Suy nghĩ Kiềm chế (Thought suppression): là quá trình ý thức được đẩy tạm thời sang tiềm thức (preconscious). Nó giúp cho ý thức có thời gian trì hoãn việc ra quyết định/chú ý đến một thực tế khó khăn cần giải quyết tức thời, làm cho ý thức có thời gian tiếp nhận những cảm xúc khó chịu trước khi chấp nhận chúng.

 

Nguyên Tắc: Nâng bậc (Upgrading) phòng vệ chứ không phá vỡ (breaking down) phòng vệ.

                                                                                                  

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Vaillant, George Eman (1992). Ego mechanism of defense: a guide for clinicians and researchers – American Psychiatric Publishing
  2. DSM – IV – TR (American Psychiatric Association – 2000) 

Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357