38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

KIỂU GẮN BÓ ẢNH HƯỞNG TỚI MỐI QUAN HỆ CỦA CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

| Ngày đăng: 21/02/2020, 08:12 AM |
Kiểu gắn bó (Attachment style) của chúng ta ảnh hưởng tới nhiều thứ, từ cách lựa chọn đối tác cho tới cách mà mối quan hệ của chúng ta tiến triển, và cả, cách nó kết thúc. Đó là lý do tại sao việc hiểu về kiểu gắn bó của chúng ta có thể giúp biết về điểm mạnh và điểm yếu trong cách chúng ta vận hành mối quan hệ. Một kiểu gắn bó được thiết lập từ khi chúng ta còn rất bé và tiếp tục phát triển có đến khi chúng ta lớn lên, nó trở thành mô hình của các mối quan hệ xung quanh chúng ta.

Mô hình gắn bó này ảnh hưởng tới cách mỗi chúng ta phản ứng với nhu cầu của mình và cách chúng ta phản ứng với nó. Nếu nó là kiểu gắn bó an toàn, thì người sở hữu nó là một người tự tin, vững vàng và có thể dễ dàng kết nối với mọi người, dễ dàng xoay xở với cả những nhu cầu của mình và người khác.  Tuy nhiên, nếu người nào có kiểu gắn bó lo âu hay tránh né, và một người chọn đối tượng là người có kiểu mẫu thích nghi không tốt, thì đó có vẻ là một sự lựa chọn không mấy lý tưởng để dẫn tới hạnh phúc.

Trong một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể cảm thấy thoải mái hơn bởi việc đối phương chấp nhận kiểu gắn bó của chúng ta. Nếu chúng ta lớn lên với một kiểu gắn bó không an toàn, chúng ta có thể thiết lập hoặc sao chép lại kiểu cách mà người lớn đã thực hiện với chúng ta, ngay cả khi kiểu gắn bó đó làm chúng ta tổn thương và không thể hiện được sự quan tâm của chúng ta.

Trong một nghiên cứu, Dr.Phillip Shaver và Dr.Cindy Hazan đã phát hiện có 60% dân số có kiểu gắn bó an toàn, trong khi có 20% dân số là kiểu gắn bó tránh né và 20% dân số có kiểu gắn bó lo âu.
Gắn bó an toàn (Secure Attachment): những người lớn có kiểu gắn bó an toàn có xu hướng hài lòng với mối quan hệ của họ. Trẻ em có kiểu gắn bó an toàn cho rằng cha mẹ của chúng là một nền tảng an toàn mà từ đó, chúng có thể độc lập khám phá thế giới. Một người lớn có kiểu gắn bó an toàn cũng có cái nhìn tương tự với đối tác trong mối quan hệ tình cảm, cảm thấy an tâm và kết nối, trong khi đó, họ cho phép mình và đối có những khoảng tự do riêng tư.

Người lớn với kiểu gắn bó an toàn thường nâng đỡ rất tốt khi đối tác của họ đau khổ. Họ cũng tìm kiếm từ đối phương cảm giác thoải mái khi phiền muộn. Mối quan hệ của họ có luôn mang tính chân thành và bình đẳng, cả hai người đều cảm thấy độc lập, nhưng luôn yêu thương nhau. Cặp đôi có kiểu gắn bó an toàn không có xu hướng tham gia vào những đính ước mà thực chất là một mối liên kết mang lại sự an toàn giả tạo.

Gắn bó chiếm hữu lo âu (Anxious Preoccupied Attachment): những người có kiểu gắn bó lo âu chiếm hữu có xu hướng không hy vọng vào những mối quan hệ đính ước. Thay vì cảm giác về một tình yêu thực sự hoặc tin tưởng vào đối phương, họ thường cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Họ tìm đến đối phương để được giải cứu khỏi cảm giác đó. Mặc dù họ tìm kiếm sự an toàn bằng cách bám vào đối phương nhưng họ lại có những hành động đẩy đối tác của mình ra xa. 

Cho dù những cá nhân có gắn bó lo âu hành động trong sự tuyệt vọng hoặc không an toàn, những hành động đó của họ càng làm trầm trọng hơn nỗi sợ của mình. Khi họ cảm thấy không chắc chắn về đối phương của mình và không an toàn trong mối quan hệ của mình, họ sẽ trở nên càng bám dính, đòi hỏi hoặc sở hữu đối phương. Họ hay suy diễn về những hành động của đối phương để củng cố nỗi sợ của mình.

Gắn bó tránh né - dửng dưng (Dismissive Avoidant Attachment) những người có gắn bó tránh né có xu hướng thiết lập khoảng cách giữa họ và những người khác. Họ tự cô lập mình và cảm thấy độc lập một cách giả vờ. Họ thường tập trung vào bản thân và quá quan tâm đến cảm giác bên trong của họ.

Giả vờ độc lập (độc lập giả hiệu) chỉ là ảo, thực ra nó phản ánh rằng họ cần được nối kết tới chừng nào. Tuy nhiên, những người có kiểu gắn bó né tránh – dửng dưng là những người hướng nội, phủ nhận tầm quan trọng của những người thân yêu và dễ dàng tách khỏi họ. Người có kiểu gắn bó này luôn luôn vận hành những cơ chế phòng vệ tâm lý của mình và có khả năng dập tắt cảm xúc. Ngay cả trong những tình huống xúc động hoặc cảm xúc dâng cao, họ có thể đè nén những gì họ cảm thấy và không phản ứng. Ví dụ, nếu đối phương của họ mệt mỏi và nói sẽ rời xa họ, họ có thể phản ứng bằng câu "Anh/ Em không quan tâm”.

Gắn bó tránh né - sợ hãi (Fearful Avoidant Attachment) một người có kiểu gắn bó né tránh sợ hãi sống trong một trạng thái mâu thuẫn, họ lo sợ mình quá xa cách hoặc quá thân thiết với người khác. Họ cố gắng giữ cảm xúc của mình ổn định nhưng không thể. Họ không thể chỉ né tránh sự lo âu của mình hoặc chạy trốn khỏi những cảm xúc. Thay vào đó, họ bị choáng ngợp bởi phản ứng của mình và thường xuyên trải qua những đợt bất ổn định cảm xúc trong với cường độ mạnh. Cảm xúc của họ trộn lẫn với nhau và tâm trạng thì không thể biết trước được. Họ coi mối quan hệ của họ như là sự hướng về người khác để được đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nếu họ quá gần gữi với người khác thì họ sẽ bị tổn thương. Nói cách khác, người mà họ nuốn ở bên để được an toàn là người mà họ sợ phải gần gũi. Và kết quả là họ không biết cách để được đáp ứng nhu cầu ở bên người khác.

Ở người lớn, họ có xu hướng tìm kiếm những mối quan hệ thô cứng hoặc đầy kịch tính, với những thăng trầm rõ rệt. Họ thường có nỗi sợ bị bỏ rơi nhưng cũng phải đấu tranh với sự thân mật. Họ có thể bám vào đối phương khi cảm thấy mình bị từ chối, sau đó cảm thấy ngột ngạt như thể mình bị mắc kẹt. Thậm chí, người có kiểu gắn bó tránh né – sợ hãi sẽ thành toàn trong một mối quan hệ lạm dụng.

Kiểu gắn bó bạn xây dựng thuở ấu thơ lấy nền tảng từ mối quan hệ của bạn với bố mẹ hoặc người chăm sóc không hẳn là khuôn mẫu cho mối quan hệ của bạn với người bạn yêu khi bạn trưởng thành. Nếu bạn hiểu về kiểu gắn bó, bạn có thể khám phá ra cách bạn đang tự bảo vệ mình, kết nối được với cảm xúc và có được kiểu gắn kết an toàn.

Bạn có thể thách thức sự phòng vệ của mình bằng việc chọn một đối tượng có kiểu gắn bó an toàn và phát triển bản thân trong mối quan hệ đó. Các liệu pháp tâm lý có thể hữu ích trong việc thay đổi kiểu gắn bó không đáp ứng tốt. Nhận thức được kiểu gắn bó của bản thân, cả bạn và đối phương có thể đương đầu với sự không an toàn, nỗi sợ mà kinh nghiệm bản thân đã tạo dựng cho bạn và phát triển mối quan hệ tình cảm bền vững.

Dr. Lisa Firestone và Dr. Phil Shaver
P.N.T.A lược dịch


Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357