38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

THẬT NGUY HIỂM KHI NÓI VỚI TRẺ: “CON CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC MỌI THỨ!”

| Ngày đăng: 21/02/2020, 08:13 AM |
Các bậc cha mẹ (ở phương Tây) hay nói với con của họ rằng "Con có thể làm được mọi thứ”. Đương nhiên, chúng ta luôn muốn khuyến khích con cái mình theo đuổi các ước mơ của bản thân và không bị tầm nhìn của xã hội đương thời cản trở.Tuy nhiên, đồng thời với điều trên, việc nói rằng chúng có thể làm mọi thứ cũng không thật sự trung thực và có thể đưa đến những điều gây hại bất ngờ.
 
Đầu tiên, nó không phải là điều luôn đúng, ví dụ không phải ai cũng có thể trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, một người mẫu thời trang, cũng như không phải tất cả đều có thể giành giải Nobel hay trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao. Chúng ta đều bị giới hạn bởi các khía cạnh nào đó, như từ tài năng di truyền hay tỉ lệ thống kê rất thấp để có thể đạt được một số vị trí trong cuộc sống. Ngoài ra, may mắn và các cơ hội đóng vai trò quan trọng đối với các kết quả cuộc sống (bao gồm cả thành công) hơn cả những gì chúng ta thường nghĩ. Thêm vào nữa, các nghiên cứu đã cho thấy khi chúng ta tạo ra các mục tiêu đầy tham vọng cho chính mình, những mục tiêu đó có thể trở nên gây hại. Ví dụ, dẫn đến các hành vi phi đạo đức để mong đạt được những mục tiêu đầy tham vọng, hoặc khiến chúng ta cảm thấy là kẻ thất bại khi không đạt được.
 
Nói với trẻ rằng chúng có thể làm mọi thứ cũng giống như nói chúng đi tìm một địa điểm xa lạ mà chẳng cho bản đồ. Nó như là đưa ra một mục tiêu cao vời mà không cung cấp các thông tin về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.
 

Bạn có thể làm bất cứ điều gì nhưng không phải mọi thứ! (David Allen)

Tốt hơn, chúng ta hãy nói với trẻ rằng: những thành tựu càng lớn sẽ cần trải qua những thử thách càng lớn, may mắn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, và sau đó cung cấp cho trẻ một hướng dẫn để có thể đạt được thành tựu đó. Thay vì nói "Con có thể làm được mọi thứ” hãy nói với chúng 3 điều sau:
 
1. Thực hành: những nỗ lực làm việc thực hành kết hợp với các thông tin phản hồi là rất quan trọng để có được sự hiểu biết thấu đáo và đạt được sự thuần thục trong các kỹ năng.
2. Nhẫn nại: bởi vì sự hiểu biết thấu đáo và thành tựu có ý nghĩa chỉ xảy ra sau thời gian phấn đấu dài.
3. Kiên trì: dù đã nỗ lực bao nhiêu thì chúng ta vẫn có thể thất bại, không được nản lòng và kiên trì theo đuổi mục tiêu là bài học của mọi bài học thành công.Hãy nhấn mạnh với con trẻ rằng thành công được xác định bằng nỗ lực và tiến bộ từng bước một chứ không phải là đi so sánh với người khác.
Khi đồng nghiệp phát hiện thấy ngổn ngang quanh bàn làm việc của Thomas Edison hàng đống những sản phẩm thất bại sau hàng ngàn giờ làm việc, ông đã nói rằng: "Tôi đã thử mọi cách. Nhưng tôi không thất bại, tôi đã tìm ra 1000 cách thực hiện sản phẩm không làm việc”. 
 
THỬ ĐIỀU NÀY.
Hãy tưởng tượng con bạn đang gặp khó khăn khi làm bài tập khoa học về nhà và kêu lên thất vọng "Con không thể làm bài này!”.
Thay vì phản ứng, "Được chứ, con có thể, để cha/mẹ chỉ cho con” thì bạn có thể nói "Đúng vậy, hoàn toàn bình thường khi bây giờ môn khoa học làm con thấy rất khó khăn. Khi con càng giành nhiều thời gian học và làm bài tập thì càng ngày con sẽ càng thấy nó dễ hơn”. Sau đó, hãy đưa ra các câu hỏi gợi ý để con bạn từ từ khám phá, không làm thay mà giúp trẻ tự tìm ra câu trả lời.
Tương tự như vậy, khi con bạn thấy một nhạc sĩ dương cầm tài ba hay một vận động viên xuất chúng, con hỏi bạn rằng bé có thể trở thành như họ không. Bạn hãy nói với trẻ: "Cô/Chú đó quả là tuyệt vời, để làm được điều đó ngoài tài năng thì họ đã phải trải qua hàng ngàn, hàng vạn giờ học tập, rèn luyện khổ cực và bền bỉ.” 

Lê Thành Nhân (lược dịch) 

Tham khảo:
1. "What great parents do: 75 Simple Strategies for Raising Kids Who Thrive" (Erica Reischer, Penguin Random House)
2. "An essential Rules of the Road for would-be parents" (Mihaly Csikszentmihalyi, New York Times)


Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357