38/9 Nguyễn Ảnh Thủ - khu phố 4 - phường Hiệp Thành, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh
037.257.8357

CAN THIỆP NGĂN CHẶN BẮT NẠT

| Ngày đăng: 09/03/2020, 10:15 AM |


 

 

 

I. LỜI MỞ ĐẦU

 

Bắt nạt (bullying) là hành vi gây hấn có chủ ý, và liên quan đến sự không tương đồng về sức mạnh hoặc quyền lực. Nó là hành vi tái diễn và bao gồm cả thể chất, lời nói hoặc các mối quan hệ. Trong khi nam thường dùng nhiều hơn "cơ bắp” để bắt nạt kẻ khác; nữ lại thường bắt nạt người khác bằng cách "tẩy chay” khỏi nhóm. Sự bắt nạt từ lâu đã là một phần của học đường, thậm chí của cả nơi làm việc. Gần đây, sự phát triển của kỹ thuật và phương tiện truyền thông xã hội địa điểm bắt nạt mới được mở rộng ra. Bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) là sự bắt nạt diễn ra trên mạng hoặc qua điện thoại. Những trang mạng như Facebook, MySpace, Tumblr, Formspring cho phép trẻ em có thể gửi những thông điệp gây tổn thương đến những đứa trẻ khác 24 giờ một ngày. Một số trang mạng như Tumblr và Formspring còn cho phép những tin nhắn chuyển đi từ những người ẩn danh.


Can thiệp và ngăn chặn bắt nạt đòi hỏi phải có một sự cam kết tạo ra môi trường an toàn mà ở đó trẻ em có thể được phát triển một cách toàn diện, hòa nhập xã hội và học tập mà không phải sợ hãi. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) gợi ý các giáo viên, cha mẹ và học sinh tiến hành một số hành động để đương đầu với vấn nạn bắt nạt.

 

 II. GIÁO VIÊN VÀ BAN GIÁM HIỆU:

 

Có kiến thức và nhạy bén:

Giáo viên và ban giám hiệu cần nhận ra rằng, mặc dù việc bắt nạt thường chỉ xảy ra ở những nơi như nhà vệ sinh, sân trường, các hành lang đông người, xe đưa rước học sinh hay thông qua điện thoại di động và máy vi tính (những nơi không có hoặc hạn chế sự giám sát của người lớn), nó cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc. Giáo viên và ban giám hiệu nên nhấn mạnh việc nói về bắt nạt không phải là mách lẻo. Nếu giáo viên phát hiện bắt nạt trong lớp, giáo viên ngay lập tức phải can thiệp để ngăn chặn, ghi nhận sự việc và thông báo riêng cho ban giám hiệu để điều tra sự việc. Không khuyến khích một cuộc gặp mặt học sinh bắt nạt và bị bắt nạt– điều sẽ này gây xấu hổ và dễ bị đe dọa bắt nạt.

 

Kết hợp Với phụ huynh cha mẹ và học sinh:

Học sinh và cha mẹ cần trở thành một phần của giải pháp, tham gia vào các đội bảo vệ và chuyên trách chống bắt nạt. Các học sinh có thể thông báo cho người lớn biết điều thực sự đang diễn ra, cũng như giải thích cho người lớn về những công nghệ hiện đại mà những đứa trẻ dùng để bắt nạt. Cha mẹ, giáo viên và ban giám hiệu có thể hỗ trợ các em tìm hiểu những hành vi tích cực và dạy những kỹ năng giúp các em biết cách can thiệp khi tình huống bắt nạt xảy ra. Các em học sinh lớp trên có thể phục vụ như những cố vấn, và cung cấp cho các học sinh lớp dưới về những cách giúp an toàn trên Internet.

 

Đặt những kỳ vọng tích cực về hành vi cho học sinh và phụ huynh:

Nhà trường và lớp học phải đảm bảo cung cấp môi trường học tập an toàn cho học sinh. Giáo viên và cố vấn học tập cần phải nói cho các em học sinh hiểu  rằng việc bắt nạt người khác là không thể chấp nhận được ở trường học, và những hành vi như vậy phải chịu kỷ luật. Việc soạn ra văn kiện chống bắt nạt với chữ ký cam kết của cả cha mẹ và gửi lại chonhà trường giúp học sinh hiểu được tính hệ trọng của bắt nạt. Ngoài ra, đối với những em đang gặp khó khăn trong việc thích ứng hoặc kết bạn , giáo viên và ban giám hiệu có thể tạo điều kiện hình thành tình thân hữu, hoặc giao cho các em những "công tác” vào các giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa để các em không cảm thấy mình bị cô lập cũng như không trở thành mục tiêu của các hành vi bắt nạt từ những đứa trẻ khác

 

III. PHỤ HUYNH:

 

1)  PHU HUYNH CÓ CON BỊ BẮT NẠT:

Quan sát để nhận thấy biết các dấu hiệu bị bắt nạt:

Trẻ em không phải lúc nào cũng dám lên tiếng khi bị bắt nạt. Đây là một số dấu hiệu: quần áo bị rách; do dự khi đến trường; chán ăn; gặp ác mộng, khóc, hoặc trầm cảm toàn thể và lo âu… Và nếu như bạn phát hiện ra con bạn đang bị bắt nạt, đừng nên bảo: "Con cứ kệ nó đi” hay "Con phải tự giải quyết nó đi chứ”… Thay vào đó, hãy nói chuyện cởi mở với con trẻ để biết rõ điều gì đang thực sự xảy ra với em ở trường học, nhờ đó bạn có thể có các bước tiếp cận để giải quyết vấn đề. Điều quan trọng nhất là phải làm cho em biết rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ con và nói con đừng sử dụng bạo lực.

 

Chỉ cho con cách để ứng phó khi bị bắt nạt:

Cho đến khi sự việc được ban giám hiệu xử lý, làm việc với con cách ứng phó khi bị bắt nạt mà không sử dụng lối thô bạo. Thực hành các tình huống giả định tại nhà để học cách phớt lờ kẻ bắt nạt và/hoặc phát triển các chiến lược quyết đoán để đối phó với bắt nạt. Giúp con xác định các thầy cô hoặc những người bạn có thể giúp đỡ khi khi lo lắng bị bắt nạt.

 

Đặt ra "giới hạn” cho các thiết bị công nghệ:

Tự học và dạy cho con về bắt nạt trực tuyến, và nhắc nhở các em đừng trả lời hoặc chuyển tiếp những thư điện tử mang nội dung đe dọa. Hãy "kết bạn” với con trẻ trên Facebook hay MySpace và thiết lập một bộ lọc phù hợp cho máy vi tính của con. Đặt chiếc máy vi tính mà em đang sử dụng như là chiếc máy vi tinh chung của gia đình –ở phòng sinh hoạt chung trong nhà để dễ quan sát và theo dõi. Nếu bạn quyết định cho con sử dụng điện thoại di động nên cân nhắc kỹ lưỡng việc chiếc điện thoại sẽ có chế độ quay phim và chụp ảnh hay không. Cho con biết rằng bạn sẽ kiểm tra tin nhắn. Là cha mẹ, bạn thuyết phục con rằng điện thoại sẽ được đặt ở những khu vực chung (phòng khách, phòng bếp,…) trong khoảng thời gian nhất định vào buổi tối để tránh bị bắt nạt ban đêm và những tin nhắn không lành mạnh. Phụ huynh cần phải thông báo cho trường, và nếu cần thiết, hãy gửi một bản sao của bức thư trực tiếp đến hiệu trưởng nhà trường nếu bạn không nhận được bất kỳ một sự phản hồi nào.

Cha mẹ nên lưu lại tin nhắn, thư điện tử hay bài viết trên mạng báo cáo cho cảnh sát.

 

2)  CHA MẸ CÓ CON EM THAM GIA BẮT NẠT:

Ngăn chặn bắt nạt trước khi nó diễn ra:

Giáo dục con về bắt nạt. Có thể con trẻ bạn có khó khăn trong việc "đọc các dấu hiệu xã hội” và không biết rằng việc này gây ra tổn thương cho người khác. Nhắc con rằng bắt nạt người khác có thể sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý.

 

Gia đình không bạo lực 

Trẻ em học hành vi từ cha mẹ. Việc phải tiếp xúc với hành vi gây hấn hoặc môi trường quá nghiêm khắc ở nhà làm cho trẻ em dễ bắt nạt các bạn ở khi đến trường. Cha mẹ người chăm sóc cần cho trẻ những mô hình ví dụ tích cực trong các mối quan hệ với người khác và với chính trẻ. 

 

Tìm ra những vấn đề về lòng tự trọng:

Trẻ có lòng tự trọng thấp thường hay có xu hướng bắt nạt người khác để chứng tỏ bản thân. Thậm chí trẻ nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhờ khuynh hướng này. Những hành vi này cần được ngăn chặn bởi cha mẹ và kỷ luật.

 

 IV. HỌC SINH:

Trình báo việc bắt nạt và bắt nạt trực tuyến:

Việc trình báo bất kỳ sự bắt nạt nào cho cha mẹ hoặc người lớn mà trẻ tin tưởng là điều quan trọng. Trẻ em thường không trình báo việc bắt nạt trực tuyến do lo sợ cha mẹ sẽ ngăn cấm sử dụng máy vi tính hoặc điện thoại di động. Cha mẹ hãy ủng hộ trẻ trình bày việc bị bắt nạt và không ngăn việc sử dụng điện thoại di động cùa trẻ. Điều quan trọng là trẻ em hiểu rằng bắt nạt là sai trái và cần được giải quyết bởi người lớn.

 

Đừng đáp trả bằng bạo lực:

Thật khó để không dùng bạo lực chống lại, tuy nhiên như người ta vẫn nói :"Hai điều sai trái không tạo nên điều đúng đắn”. Cố không biểu hiện sự tức giận hay khóc lóc. Bình tĩnh trò chuyện với kẻ bắt nạt hoặc đơn gian là đi tiếp.

 

Không nên ở một mình:

Trong bất kỳ lúc nào, tránh những nơi vắng vẻ, không có sự hiện diện của bạn bè hay các thầy cô giáo. Cố gắng đi vệ sinh cùng bạn khác, hoặc ăn trưa chung với nhóm. Ngồi ở khu vực phía trên khi đi xe đưa rước học sinh của trường. Nếu biết những học sinh hay bắt nạt người khác thường ở khu nào trên con đường đến lớp hay khu vực ăn trưa, hãy chọn một tuyến đường khác.

Hãy nhớ, phải trình báo tất cả việc bắt nạt với mình hoặc học sinh khác cho giáo viên, cố vấn học tập, hiệu trường, và/hoặc cha mẹ.

 

V. KẾT LUẬN:

Các học sinh là nạn nhân của việc bắt nạt có thể cảm thấy khủng hoảng, hoặc chán nản. Nếu con hay học sinh của bạn đang gặp khó khăn ở trường hoặc với bạn bè do bắt nạt thì chuyên gia về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như nhà tâm lý, có thể giúp được em trong việc phục hồi và tự tin hơn. Điều này sẽ làm cho trẻ trở nên thành công hơn cả về mặt học tập cũng như trong cuộc sống.

 

__________________________________________________________

Nguồn:  http://www.apa.org/helpcenter/bullying.aspx#

Người dịch: Lê Nguyên Vinh (Hiệu đính: Lê Thành Nhân)

Hotline: 037.257.8357
Zalo:037.257.8357